Có thể bạn đã từng nghe ai đó hoặc đọc ở đâu đó về sự khác biệt của cuộc suy thoái mà phần đông các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận sẽ xảy ra trong năm 2023 nhưng chưa bao giờ, tỷ lệ người ủng hộ lại cao đến thế.
Savita Subramanian của Bank of America cũng đã nói về lý do tại sao cuộc suy thoái trong năm nay không giống với những gì từng xảy ra trong quá khứ và ý nghĩa của chúng với thị trường chứng khoán năm 2023.
- S&P 500 cuối năm là bao nhiêu và những kịch bản gì có thể xảy ra?
Chúng tôi tin rằng S&P 500 sẽ đóng cửa ở mức khoảng 4.000 điểm vào cuối năm, mức tăng khiêm tốn từ mức hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều biến động trong năm nay. Trong kịch bản lạc quan, chúng tôi nghĩ thị trường có thể tăng cao tới 4.600 điểm. Trong kịch bản xấu, tôi nghĩ thị trường sẽ rơi về 3.000 điểm.
Nhìn chung, chúng tôi vẫn nghĩ rằng 2023 sẽ là một năm kém với thị trường nhưng sẽ có nhiều cơ hội tuyệt vời. Thay vì nhìn vào chỉ số chung, chúng tôi hướng về phía ngành nào, cổ phiếu nào có thể hoạt động tốt trong năm tới, khi thị trường tương đối im ắng.
Về dự báo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tôi nghĩ mọi người, từ các nhà phân tích tới doanh nghiệp, đều đang ở “chế độ chờ”. Lý do là dù bất chấp áp lực tràn lan, từ lạm phát, tiền lương, lãi suất…, mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp. Các công ty đã xoay sở được, ít nhất là tới lúc này.
Trên hết, chúng tôi thấy các doanh nghiệp rất nhanh nhạy trong việc cắt giảm chi phí. Báo chí gần đây liên tục nói về việc các doanh nghiệp lớn sa thải hàng loạt để giảm chi phí hoạt động, điều không hẳn là tốt cho nền kinh tế nhưng tốt cho lợi nhuận của chính họ. Những động thái này không chỉ tác động tới tỷ suất lợi nhuận và áp lực chi phí mà còn cả định giá trong tương lai.
- Bà nói đây không phải cuộc suy thoái của bố mẹ chúng ta. Vậy cuộc suy thoái này nên được mô tả như thế nào?
Khi chúng ta nghĩ về cha mẹ và các thế hệ trước, cuộc suy thoái mà họ phải đối mặt trông thực sự rất khác. Rõ ràng, đây là một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất mà chúng ta từng thấy. Ngay cả năm 2008, khi bạn nghĩ về bi kịch xảy ra trong giới doanh nghiệp Mỹ, trong giới tiêu dùng, chủ nhà…, chúng ta có thể nhận thấy chu kỳ tín dụng khủng là chất xúc tác lớn.
Và tin tốt là ít nhất tới thời điểm hiện tại, các tập đoàn và người tiêu dùng đều quản lý khá tốt nợ của họ. Đó có thể là món hời từ một chu kỳ lãi suất thấp kéo dài. Cuộc khủng hoảng năm 2008 cho nhiều doanh nghiệp bài học đắt giá về lạm dụng đòn bẩy và giờ đây, họ có cách tiếp cận tốt hơn với những khoản vay đó – vay lâu hơn.
Nếu bạn so sánh kỳ hạn nợ trung bình trên bảng cân đối kế toán các doanh nghiệp trong S&P 500 hôm nay với năm 2008, chúng ta sẽ thấy sự chênh lệch lớn. Kỳ hạn nợ trung bình hiện nay vào khoảng 11 năm, cao gần gấp đôi so với 7 năm của 2008.
Thời gian vay dài hơn có lợi ích gì? Với một khoản vay lãi suất cố định trong thời gian dài, nó sẽ không phải chịu tác động của lãi suất cao trong một sớm một chiều. Các doanh nghiệp sẽ có thời gian để điều hướng và hấp thụ mức lãi suất cao đó.
Trong khi đó, người tiêu dùng đã được nhận một khoản tiền mặt lớn từ Chính phủ vào năm 2020-2021. Vì vậy, bàng cân đối kế toán của người tiêu dùng và doanh nghiệp trông khá ổn. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ lại đang nợ kỷ lục và FED đang nắm khá nhiều trong số nợ đó.
Trong hơn 10 năm qua, FED đã đổ hàng nghìn tỷ USD để mua trái phiếu. Điều này rất tốt cho các tài sản rủi ro nhưng FED sẽ làm thế nào để giải quyết núi nợ này? Tôi nghĩ đó là câu hỏi trị giá 1.000 tỷ USD và chúng ta chưa từng gặp điều tương tự trước đây. Và tôi sẽ lo lắng hơn cho khu vực công, chứ không phải tư nhân, trong cuộc suy thoái này.
Tham khảo: Bloomberg