Sáng nay, thị trường tài chính quốc tế đã có 1 phiên rung chuyển với sắc đỏ tràn ngập vì 1 nghịch lý xảy ra trên thị trường trái phiếu. Chỉ số được theo dõi nhiều nhất trên phố Wall về đường cong lợi suất, mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và kỳ hạn 10 năm đã đảo ngược quy luật thông thường, phát đi tín hiệu rõ ràng nhất về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm rơi xuống mức âm lần đầu tiên kể từ 2007.
Tuy nhiên, không phải lúc nào đường cong lợi suất đảo ngược cũng khiến nhà đầu tư chứng khoán bi quan và cháy túi.
Đúng là đường cong lợi suất đã đảo ngược trước khi 7 cuộc suy thoái mới nhất ập đến với nước Mỹ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy dù không phải là 1 chỉ báo lạc quan về sức khỏe nền kinh tế, hiện tượng này không đồng nghĩa với cơn bán tháo kéo dài trên thị trường chứng khoán. Ngược lại, thị trường có xu hướng sẽ tăng điểm khá vững chắc sau khi hồi chuông cảnh báo được gióng lên.
Trung bình, chỉ số S&P 500 đã tăng 2,5% trong 3 tháng sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược. 6 tháng sau mức tăng là 4,87%; 1 năm sau là 13,48% và 2 năm sau là 14,73%; 3 năm sau là 16.41%, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.
Mức tăng trung bình của chỉ số S&P 500 sau khi đường cong lợi suất đảo ngược.
Dữ liệu từ LPL Financial cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Bên cạnh đó, không phải lúc nào nền kinh tế cũng rơi vào suy thoái ngay sau khi đường cong lợi suất đảo ngược. Từ năm 1956, trung bình các cuộc suy thoái sẽ xảy ra 15 tháng sau khi hiện tượng này diễn ra, theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch.