Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam trong tháng 12/2023 đạt 114.373 tấn với trị giá hơn 21 triệu USD, giảm 61,7% về lượng nhưng tăng vọt 117,6% về trị giá so với tháng 11/2023. Tính chung trong 12 tháng năm 2023, xuất khẩu quặng và các khoáng sản khác của nước ta đạt hơn 2,8 triệu tấn với trị giá hơn 187,7 triệu USD, giảm 16,6% về lượng và giảm 11% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 67 USD/tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam nhiều nhất. Cụ thể trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan (Trung Quốc) thu về 17,6 triệu USD với hơn 820 nghìn tấn, tăng 31,5% về lượng nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc đạt 626.676 tấn với trị giá hơn 7,67 triệu USD, tăng 37,4% về lượng và tăng 42,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với Trung Quốc, trong 12 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 305.757 tấn với trị giá hơn 69 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và tăng 6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, một thị trường ở Đông Nam Á đang ghi nhận mức tăng vọt về nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam là Thái Lan. Trong tháng 12/2023, xuất khẩu quặng và khoáng sản sang Thái Lan đạt 396 tấn với trị giá hơn 75,1 nghìn USD, tăng 780% về sản lượng và 34% về trị giá so với tháng 12/2022.
Tính chung trong 12 tháng, xuất khẩu mặt hàng này sang xứ sở chùa vàng thu về hơn 646 nghìn USD với 2.068 tấn, tăng 341% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Thái Lan đạt 313 USD/tấn, lao dốc tới 74% so với cùng kỳ năm 2022. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu.
Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên, đặc biệt là “của trời” (tài nguyên thiên nhiên) như rừng cây, các động vật, thực vật quý hiếm, các mỏ khoáng sản , các nguồn nước, dầu, khí.
Công nghiệp khai khoáng Việt Nam bắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ 19 do Pháp khởi xướng, từ năm 1955, Việt Nam đã tiếp quản, duy trì và phát triển các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản . Đến nay, nước ta có đến hơn 5.000 điểm mỏ, quặng.
Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản , xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Ví dụ như bô xít (5,8 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới, fluorit (5 nghìn tấn) đứng thứ 5 thế giới, apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (22 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới và đá granit (15 tỷ m3), vonfram (100 nghìn tấn) đứng thứ 3 thế giới...
Trên thế giới hiện nay, tài nguyên khoáng sản trở thành nguồn lực khan hiếm, là đối tượng bị tranh chấp quyết liệt ở nhiều nơi, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo.
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á hiện nay.