Có lẽ khó có thể có một tổ chức nào có thể thiết kế một cơ sở nghiên cứu mới độc đáo như Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Gồm 12 "thị trấn" kiểu Âu chạy dọc theo những ngọn đồi cận nhiệt đới xanh tươi gần phía nam thành phố Đông Quản, cơ sở nghiên cứu này có 18.000 nhà khoa học, nhà thiết kế và kỹ sư làm việc trong những toà lâu đài kiểu Đức hay những biệt thự kiểu Tây Ban Nha và Ý.
Căng tin nhân viên có quầy cà phê Ý và Pháp. Ấn tượng, điên rồ và có chút loè loẹt, cơ sở nghiên cứu này là bằng chứng cho tham vọng của Huawei: một doanh nghiệp tư nhân ra đời từ tham vọng và phong cách có phần kỳ quặc của nhà sáng lập Ren Zhengfei, một tỷ phú và cựu kỹ sư quân đội.
Sau 30 năm "ẩn dật", Huawei đã trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ cao "ồn ào" nhất thế giới. Tập đoàn này thường xuyên mời phóng viên tới thăm các phòng thí nghiệm và dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh. Lý do đằng sau sự cởi mở này rất rõ ràng. Huawei đang chống lại cáo buộc từ chính quyền Trump và Quốc hội Mỹ. Theo cáo buộc này, Huawei thực chất là một doanh nghiệp nhà nước, được nhà nước hỗ trợ hoặc ít nhất do nhà nước kiểm soát, và có liên quan mật thiết tới quân đội và các dịch vụ tình báo.
Các quan chức Mỹ còn cáo buộc Huawei lấy trộm công nghệ từ Mỹ và các quốc gia khác. Họ chế giễu Huawei giống như một loại hợp tác xã cổ phần, và ủy ban Đảng Cộng Sản tại đây chỉ có nhiệm vụ đào tạo nhân viên và thực hiện phúc lợi. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đi công du toàn cầu trong nhiều tháng nhằm thúc giục các đồng minh ngăn chặn Huawei xây dựng mạng lưới viễn thông 5G, và đã phần nào dành được thắng lợi. Vào tháng 5, Huawei lọt vào danh sách những doanh nghiệp đe doạ an ninh quốc gia của Phòng Thương mại Mỹ.
Những tai ương giáng xuống Huawei báo hiệu một vấn đề hóc búa chưa có lời giải đáp. Công nghệ tiên tiến đang dần chiếm lĩnh danh sách sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi sự tin tưởng lâu bền giữa khách hàng và nhà cung cấp, ngay từ những con chip giúp máy bay bay trên bầu trời, tới những thiết bị kiểm soát mạng điện. Đồng thời, toàn cầu hoá đã tạo nên chuỗi cung ứng liên kết các quốc gia dù họ không có nhiều tương đồng. Vấn đề là những chuỗi này kết nối Mỹ, một quốc gia có thói quen tự đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật và an ninh, với Trung Quốc, một đối tác thương mại nhưng cũng là đối thủ thương mại và tư tưởng.
Nhiều quan chức cấp cao của Huawei đã đề xuất hai giải pháp khác nhau cho vấn đề toàn cầu hoá công nghệ cao trong thời kỳ mất niềm tin. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một giải pháp khá thuyết phục.
Đó là coi tình trạng mất niềm tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức kỹ thuật, thay vì là một khó khăn chính trị. Với giải pháp này, tình trạng mất niềm tin không thể bị loại bỏ, nhưng lại có thể giảm thiểu.
Một giám đốc điều hành của Huawei có kinh nghiệm trong thị trường châu Phi và châu Âu, nơi sản phẩm của hãng bùng nổ mạnh mẽ với giá thành thấp, đã chỉ ra sự tương đồng giữa hướng tiếp cận "abc" và an ninh mạng, đó là "Assume nothing. Believe nobody. Check everything" (Không giả sử. Không tin ai. Kiểm tra mọi thứ). Nhiều quan chức cấp cao của Huawei tán dương Anh và các nước châu Âu khi áp dụng quản lý rủi ro vào xây dựng các cơ sở hạ tầng như mạng không dây, bao gồm các tiêu chuẩn thông thường về an ninh và minh bạch, và xác minh từ bên thứ ba. Nguyên tắc cơ bản là không được tin hoặc không tin một sản phẩm vô điều kiện chỉ dựa trên nơi sản xuất.
Giải pháp thiếu thuyết phục của Huawei là nỗ lực thuyết phục các quốc gia khác, bằng đảm bảo bằng văn bản hoặc bằng lời từ chính phủ, rằng các doanh nghiệp Trung Quốc là đáng tin cậy và không hỗ trợ hoạt động gián điệp đánh cắp thông tin. Do đó, các lãnh đạo Huawei đã đưa ra đảm bảo từ Bộ ngoại giao Trung Quốc rằng không điều luật nào bảo trợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc cài cửa hậu trong các thiết bị số nhằm mục đích gián điệp. Về luật an ninh quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động tình báo Trung Quốc, Huawei cho biết luật này không áp dụng ngoài biên giới quốc gia.
Điều Huawei nên nói nhưng không thể
Rõ ràng, hứa hẹn và luật không thể trói buộc Đảng Cộng Sản và bộ máy an ninh Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc công khai tuyên bố vai trò lãnh đạo tuyệt đối tại toà và coi tư pháp độc lập là sai lầm của phương Tây. Không những thế, trên bề nổi, Trung Quốc còn sở hữu hệ thống giám sát khổng lồ. Nếu hệ thống an ninh ở mỗi quốc gia giống như một tảng băng trôi với phần chìm khổng lồ, thì như vậy, việc e ngại Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý.
Để tăng tính thuyết phục, Huawei có lẽ nên thừa nhận sự khác biệt của Trung Quốc và công nhận không thể phản đối một số yêu cầu từ Đảng. Nếu được chấp thuận, sau đó Huawei nên tập trung sản xuất các sản phẩm và hệ thống công nghệ cao cho các khu vực có mức độ tin tưởng thấp hoặc không có. Tuy nhiên, Huawei không thể đưa ra luận điểm này bởi đó là điều không thể ở Trung Quốc. Bên trong cơ sở nghiên cứu mới của Huawei là những toà lâu đài kiểu châu Âu choáng ngợp. Nhưng bên ngoài mảnh đất xinh đẹp này là Trung Quốc.