Nếu Made in China 2025 là 1 chiếc xe thì động cơ của nó đã khởi động rồi
Tọa lạc ở thành phố Đông Quản (miền Nam Trung Quốc), nhà máy này từng là nơi làm việc của "cả một biển người". Tuy nhiên, chi phí lao động tăng cao và một thế hệ mới ít hứng thú hơn với việc làm việc quần quật trong các nhà máy đã tạo nên một khung cảnh hoàn toàn mới. Bây giờ biển người được thay thế bởi những tiếng vo vo của máy móc, mỗi chiếc máy đảm nhiệm công việc từng cần đến 15 người và 26 bước để hoàn thành.
Nhà máy này cho thấy tầm nhìn của Bắc Kinh về Made in China 2025 - kế hoạch định hướng của Chính phủ Trung Quốc nhằm trang bị lại các ngành công nghiệp để có thể cạnh tranh trong các lĩnh vực như tự động hóa, vi mạch và xe tự hành - không chỉ là lời hô hào của những lãnh đạo cấp cao. Thay vào đó, sức mạnh của "Made in China 2025" còn đến từ phía khác: từ các doanh nghiệp và các thành phố trên khắp Trung Quốc mà họ biết rằng họ phải hiện đại hóa hoặc bị xóa sổ.
Chính quyền Trump không hề sai lầm khi đặc biệt chú ý đến chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh. Cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc đã đem lại cho các công ty lợi thế không công bằng và có thể tiếp tục làm thay đổi bức tranh thương mại toàn cầu sau khi ông Trump nghỉ hưu tại Mar-a-Lago.
Nhưng Made in China 2025 cũng đang được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp như Dongguan Mentech Optical & Magnetic Company, chủ sở hữu của nhà máy nói trên. Đó là những doanh nghiệp đang lo lắng về chi phí lao động và tương lai của chính họ và cả những chính quyền địa phương đang tìm cách phát triển kinh tế, từ một mạng lưới ngày càng mở rộng có sự tham gia của các doanh nhân tư nhân, các nhà nghiên cứu và các chính trị gia địa phương, những người đang ngày càng làm việc cùng nhau để nâng cấp các nhà máy của Trung Quốc và đảm bảo tương lai của nó. Các thành phố khác - Tô Châu, Ôn Châu, Từ Châu và các khu công nghiệp trên khắp Thượng Hải chỉ là một vài ví dụ - cũng đã lập kế hoạch tự động hóa của riêng mình.
Hiện đại hóa có thể không xảy ra vào năm 2025. Thực tế, có thể sẽ lâu hơn nữa. Nhưng Trung Quốc sẽ tiến hành việc này, chủ yếu là vì nó phải làm thế nếu muốn tiếp tục phát triển.
"Nếu Made in China 2025 là một chiếc xe, thì động cơ đã khởi động và nó chắc chắn là đang di chuyển," Zhang Guojun, giám đốc Viện Robot thông minh Quảng Đông ở Đông Quản, một trong số những trung tâm nghiên cứu địa phương hỗ trợ giúp tái thiết các nhà máy. Thành phố đã tự động hóa tốt trước khi ý tưởng về chương trình Made in China 2025 xuất hiện vào năm 2015, ông nói, "nhưng các chính sách đã cung cấp cho chúng tôi một hướng đi rõ ràng."
Sức sống mới ở Đông Quản
Là một thành phố có tám triệu người thuộc khu vực đồng bằng sông Châu Giang, Đông Quản từ lâu đã dựa vào việc sản xuất và xuất khẩu giày dép, đồ chơi và các bộ phận điện tử sang Mỹ và châu Âu. Theo nhiều cách, thành phố này hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh mà nhiều người tưởng tượng về Trung Quốc: tràn ngập các dãy nhà xưởng hình chữ nhật.
Tuy nhiên khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, đơn đặt hàng đã cạn kiệt. Đông Quản được gọi là thủ đô mại dâm của Trung Quốc cho đến khi Chính phủ thực hiện một cuộc đàn áp thẳng tay.
Ngoài cuộc khủng hoảng tài chính, sự thịnh vượng của Trung Quốc đã đe dọa tương lai của Đông Quản. Thu nhập của người lao động trung bình tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua. Ít người muốn làm việc trên các dây chuyền lắp ráp nặng nề và căng thẳng, họ thích các công việc trong ngành dịch vụ - như phục vụ bàn và đi giao hàng - cho phép họ tương tác với mọi người hoặc di chuyển xung quanh. Một số nhà máy chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Các công ty và chính quyền của Đông Quản phải làm gì đó. Họ đã quyết tâm phải hiện đại hóa.
Trước khi Made in China 2025 trở thành chính sách, Đông Quản đã khởi động sáng kiến "thay thế con người bằng máy móc", tài trợ khoảng 30 triệu USD/năm. Sau đó họ đã đầu tư nhiều tiền hơn vào các sáng kiến tự động hóa khác. Các công ty chứng minh được họ đã có một dự án nghiên cứu xứng đáng hoặc sẵn sàng đầu tư vào robot công nghiệp, phần mềm hoặc máy móc tiên tiến có thể giành được trợ cấp và được cắt giảm thuế. Chính phủ đã tăng 10% đến 20% mức tiền tài trợ. Nhiều công ty sản xuất điện thoại thông minh, đồ nội thất, máy móc và thậm chí cả các công ty làm bánh cũng đã giành được hỗ trợ, tài liệu chính thức cho thấy.
Mentech, 1 nhà cung cấp thiết bị viễn thông, từng có hàng trăm công nhân làm công việc đóng gói và kiểm tra những đoạn dây điện từ mỏng hơn sợi tóc, tất cả bằng tay. Ở thời điểm hiện tại công ty vẫn đang rất thiếu công nhân dù chế độ khá hậu hĩnh: tiền lương hàng tháng có thể lên đến khoảng 1.100 USD (cả tiền làm thêm), ký túc xá có máy lạnh, Wi-Fi miễn phí và quà sinh nhật.
Nhưng chi phí lao động tăng cao và tình trạng thiếu nhân công đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. Trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi phần lớn nhân công nghỉ làm và về nhà, khoảng 500 giám đốc điều hành, kỹ sư và nhân viên hành chính của Mentech phải thay nhau làm thêm ngoài giờ để giữ cho nhà máy hoạt động, Zhang Xiaodong – quản lý phòng nghiên cứu và phát triển cho biết.
Mentech yêu cầu ông Zhang và những người khác tìm ra cách để tự động hóa nhà máy. Họ đã dành hai năm làm việc ngoài giờ vào ban đêm. Các cỗ máy cần phải được tinh chỉnh. Các thành phần cần được thiết kế lại để các cỗ máy có thể đạt được mục tiêu đề ra. Một số dự án không thành công.
"Không phải mọi vấn đề đều có giải pháp," ông Zhang nói. "Chúng tôi biết rằng sản xuất thông minh là tương lai. Nhưng việc đạt được nó là điều không dễ dàng. "
Ngày nay, một diện tích mặt sàn nhà máy trước đây cần hơn 300 công nhân hiện nay chỉ còn cần 100. Hơn một nửa nhà máy đã được tự động hóa. Các công nhân đang làm việc xen kẽ với máy móc có thể sẽ được thay thế bằng máy móc trong vòng một hoặc hai năm tới.
Để giúp đỡ, chính quyền Đông Quản đã chi 1,5 triệu USD để hỗ trợ, đồng thời đưa ra chính sách thu hút các doanh nhân khởi nghiệp và giúp các nhà khoa học mở các trung tâm nghiên cứu.
Một công ty khởi nghiệp với mục đích là hỗ trợ Mentech là công ty Công nghệ thông minh chính xác Đông Quản, sẽ cung cấp các máy móc mà công ty cần để tự động hóa đầy đủ. Bởi vì thiết bị sẽ do Trung Quốc sản xuất, nó sẽ rẻ hơn mua các hệ thống tự động hóa từ Nhật Bản hoặc Mỹ.
Chính quyền Đông Quản đã thực hiện các bước khác để đảm bảo các trung tâm đổi mới này sẽ hỗ trợ tối đa cho các nhà sản xuất địa phương. Ví dụ, đã có khoảng 30 viện nghiên cứu hợp tác với các trường đại học lớn của Trung Quốc được thành lập. Sau khi tiêu hết số tiền tài trợ ban đầu, các viện nghiên cứu sẽ phải tìm ra cách tự kiếm tiền.
Các viện nghiên cứu đã hợp tác với các công ty như Tập đoàn thông minh Quảng Đông Janus, một nhà sản xuất linh kiện điện thoại di động đang phải đối mặt với vấn đề chi phí lao động tăng cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đã trở thành những khách viếng thăm định kỳ đến nhà máy mà họ hỗ trợ.
Tại nhà máy Janus, các hàng máy công cụ tự động làm việc với cánh tay robot và các băng chuyền màu xanh lá cây trong không gian gần bằng kích thước của sân bóng đá. Cánh tay robot kim loại đưa các khối kim loại vào các máy móc, sau đó cắt, xoay và rửa chúng. Vỏ ngoài cho điện thoại và máy tính bảng dần dần hiện ra.
Nhà máy yêu cầu 16 công nhân trên một ca làm việc thay vì 103 như trước khi nó được tự động hóa. Các cánh tay robot này được sản xuất tại Trung Quốc.
Chắc chắn không thể tránh khỏi việc nhiều công ty Trung Quốc sẽ thất bại trong nỗ lực nâng cấp. Một số mục tiêu khác của Made in China 2025, chẳng hạn như đặt nền móng cho các ngành công nghiệp vi mạch đẳng cấp thế giới hoặc xe tự lái, vẫn chưa thành hình vào thời điểm này.
Tuy nhiên, khi nói đến sản xuất, Đông Quản cho thấy Made in China 2025 sẽ thành công một phần vì nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh. Các công ty Trung Quốc và các quan chức chính quyền địa phương quyết tâm tiến lên nấc thang mới trên chuỗi giá trị để không rơi vào tình trạng lỗi thời. Điều tốt nhất mà Washington có thể làm là đảm bảo các chính sách của họ sẽ giúp các công ty Mỹ vượt lên trước trong cuộc chơi này.