Hôm nay (11/6), cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đều đang có mặt ở Singapore, chuẩn bị bước vào cuộc gặp mặt lịch sử được cả thế giới dõi theo. Hai bên sẽ bàn luận về nhiều vấn đề, trong đó các lệnh trừng phạt kinh tế đang áp dụng lên Triều Tiên là một trong số đó và hơn nữa còn là vấn đề chủ chốt.
Được coi như một công cụ ngoại giao, các lệnh trừng phạt bao gồm các hình thức cấm vận như cấm du lịch, đóng băng tài sản, hạn chế vốn và hạn chế thương mại. Đây là một phần cốt lõi của chiến lược "gây sức ép tối đa" mà Mỹ và các đồng minh đã áp dụng để ép buộc sự nhượng bộ từ chính quyền ông Kim Jong Un về chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên mong muốn các lệnh trừng phạt sẽ bị dỡ bỏ, thay vào đó, nước này sẽ phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.
1. Triều Tiên đang phải gánh chịu những hình thức trừng phạt nào?
Cách đây hơn 1 thập kỷ, Liên Hợp Quốc bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên với trọng tâm là các hoạt động xuất khẩu hàng hoá quân sự và hàng hóa xa xỉ, sau đó mở rộng ra cấm xuất khẩu than, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may. Năm 2008, sau khi tổng thống George W. Bush tuyên bố rằng Triều Tiên là mối đe dọa đối với Mỹ, nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên một số cá nhân và tổ chức.
Năm 2017, tổng thống Donald Trump đã ban hành một lệnh cấm vận thương mại và tài chính, bao gồm các hình phạt đối với ngân hàng, công ty và những cá nhân dù không phải của Mỹ nhưng có đầu tư kinh doanh tại Triều Tiên.
Năm 2010, Hàn Quốc bắt đầu cấm vận Triều Tiên sau sự kiện tàu hải quân Cheonann của nước này bị chìm. Các lệnh cấm vận tập trung chủ yếu vào hoạt động buôn bán, trao đổi văn hoá và không cho các tàu của Triều Tiên đi vào vùng biển Hàn Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản và Úc cũng có lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
2. Các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ như thế nào?
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải bỏ phiếu về đề xuất dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên. Năm quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp có thể phản đối động thái này, dù đó là một trường hợp khó có thể xảy ra trong trường hợp của Triều Tiên.
Đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ ban hành theo lệnh của tổng thống, chẳng hạn như lệnh cấm vận tài chính mà ông Trump đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, cũng có thể được dỡ bỏ bằng một sắc lệnh hành pháp. Tổng thống Barack Obama đã ký một sắc lệnh như vậy để chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Sudan vào tháng 1 năm 2017, với điều kiện là các biện pháp phải được giữ nguyên trong 25 tuần để xem xét tình hình. Cuối cùng, các lệnh trừng phạt này đã được loại bỏ vào tháng 10.
3. Tại sao vai trò của Trung Quốc lại rất quan trọng?
Câu trả lời là Trung Quốc chiếm tới 90% trao đổi thương mại của Triều Tiên. Vào năm 2017, ông Trump đã gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đồng ý về các lệnh cấm vận xuất khẩu quặng sắt, hải sản và hàng dệt may của Triều Tiên. Kết quả là, thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, giảm hơn 60% trong quý đầu tiên của năm 2018.
4. Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Triều Tiên như thế nào?
Đây không phải là câu hỏi dễ trả lời, bởi chính quyền Kim Jong Un không công bố số liệu thống kê kinh tế. Vào năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố rằng biện pháp trừng phạt đã gây ra "thiệt hại nặng nề" cho người dân và sự phát triển của nước này. Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng lên do các lệnh cấm vận, đặc biệt là sự tham gia của Trung Quốc vào các biện pháp trừng phạt đã "đốt cháy" số tiền dự trữ ngoại hối của Triều Tiên.
Vào tháng 4, tờ New York Times đã đưa ra báo cáo rằng, do các lệnh trừng phạt, một số nhà máy ở Triều Tiên đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, ngư dân đã bỏ neo thuyền và các đơn vị quân đội chuyển sang xe chạy bằng than hoặc xe bò để vận chuyển.
Tuy nhiên, những du khách gần đây đến nước này nói rằng không có nhiều những dấu hiệu cho thấy kinh tế nơi đây ở trong tình trạng "yếu kém" hay thông tin về nạn đói trong quá khứ. Theo NK Daily, giá cả của các mặt hàng chủ lực như gạo vẫn tương đối ổn định. Ông Trump cho rằng chiến dịch "gây sức ép tối đa" của mình chính là nguyên nhân đưa ông Kim Jong Un đến bàn đàm phán.
5. Triều Tiên phải đánh đổi điều gì để dỡ bỏ các lệnh cấm vận?
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton, cho biết sẽ không có hành động giảm bớt áp lực nào cho đến khi Triều Tiên xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược, thường được gọi là CVID. Đó là tiêu chuẩn mà Mỹ đã áp dụng với Libya nhằm gây áp lực phá hủy chương trình vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, nói rằng Triều Tiên phải chứng minh được rằng "các bước thực hiện xoá bỏ chương trình hạt nhân là có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược". Tuy nhiên, chính ông Trump lại muốn thể hiện thái độ tích cực và cho biết, sau cuộc gặp với đặc sứ Triều Tiên Kim Yong Chol, ông không muốn sử dụng thuật ngữ "gây sức ép tối đa" nữa.
6. Các biện pháp trừng phạt được thực thi chặt chẽ đến thế nào?
Thực thi các biện pháp trừng phạt là một trận chiến dai dẳng, và Triều Tiên lại có rất nhiều cách để vượt qua những gì nước này phải gánh chịu. Ông Trump từng chia sẻ trên Twitter rằng dường như Trung Quốc không nghiêm túc khi thực hiện các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Trang tin tức Daily NK đã tung ra hình ảnh xe tải chở cá khô và lao động nữ vào Trung Quốc, cả hai việc này sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Vào ngày 6 tháng 6, Trung Quốc đã nối lại chuyến bay thường xuyên giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau 6 tháng bị gián đoạn. Hơn nữa, từ tháng 3 đến tháng 4, giá nhà mới tại thành phố Đan Đông của Trung Quốc, được coi là "phong vũ biểu" về hiệu quả của các lệnh trừng phạt, đã tăng kỷ lục 2%.
7. Những lệnh trừng phạt nào cần được dỡ bỏ trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Theo báo cáo từ Washington Post, Singapore (hoặc bất kỳ bên nào khác) nên gánh chi phí khách sạn cho ông Kim Jong Un trong thời gian tham dự hội nghị thượng đỉnh, bởi quốc gia này đang gặp khó khăn về tài chính do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Việc này có thể tác động đến các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ và yêu cầu về việc dỡ bỏ từ phía Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài. Liên Hợp Quốc và Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu Mỹ loại bỏ lệnh trừng phạt đối với những khoản thanh toán có liên quan đến chuyến đi lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên.