Theo báo cáo dữ liệu do China Merchants Securities công bố vào ngày 15/11, trong dịp lễ 11/11 năm nay tại Trung Quốc, doanh số bán thức ăn chính cho thú cưng đạt 1,9 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 265,2 triệu USD), tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; đồ ăn nhẹ cho chó mèo cũng đạt mức tăng trưởng nhanh chóng và đạt doanh số 362 triệu Nhân dân tệ (14,6 triệu USD), tăng 32,73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay từ năm 2018, trang Forbes trong bài báo "Tại sao chăm sóc thú cưng là một trong những ngành không sợ suy thoái nhất" đã chỉ ra rằng, mọi người đang thay thế trẻ em bằng thú cưng. Theo Forbes, đây là một câu nói “nửa đùa nửa thật” vì mọi người đang sinh con ngày càng ít đi, nhưng bản năng chăm sóc người khác vẫn được được thỏa mãn bằng cách chăm sóc thú cưng. Chăm sóc thú cưng dần trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người, giống như thức ăn và điện sinh hoạt.
Theo "Sách trắng về xu hướng ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc năm 2022" do JD.com phát hành, năm 2021 có 91,47 triệu hộ gia đình Trung Quốc nuôi thú cưng, và dự kiến con số này sẽ vượt quá 100 triệu hộ vào năm 2022.
"Sách trắng về ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc năm 2021" - do Hiệp hội ngành công nghiệp thú cưng trực thuộc Hiệp hội chăn nuôi động vật Trung Quốc phát hành và được ngành này công nhận là có giá trị nhất - đã chỉ ra rằng, năm 2021, thị trường chó mèo thành thị của Trung Quốc đã tăng trưởng 20,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 8 điểm phần trăm so với tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng năm 2021 của nước này.
Một người chủ và thú cưng chơi đùa trong một bể bơi nước nóng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Visual China
Thú cưng có thể giúp con người giải tỏa lo âu
Theo Tuần báo Tin tức Trung Quốc, trong khi một số ngành công nghiệp đã được chứng minh là dễ bị tổn thương trước suy thoái kinh tế và lạm phát kỷ lục gần đây, ngành hàng cho thú cưng lại là một ngoại lệ.
Tháng 8 năm nay, Wetney Joseph - Giám đốc tài chính của Zoetis, công ty thuốc thú y lớn nhất thế giới - trong một buổi phát sóng trực tiếp cho biết: "Nếu bạn nhìn vào lịch sử của ngành chăm sóc sức khỏe động vật, bạn sẽ thấy rằng nó đã được chứng minh là không chịu ảnh hưởng của suy thoái. Nuôi thú cưng đang trở thành xu hướng của thế hệ Millennial (sinh trong khoảng 1981-1996) và Gen Z (sinh vào cuối thập niên 1990 đến 2010) - những người chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe của thú cưng của họ.”
Báo cáo do Trung tâm nghiên cứu bất động sản thương mại RET Trung Quốc công bố vào tháng 9 năm nay đã chỉ ra rằng, hai biến động có ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế Mỹ trong thế kỷ này là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giảm xuống mức -2,6% vào năm 2009, nhưng chi tiêu cho thức ăn của thú cưng vẫn duy trì mức tăng nhỏ trong cùng năm. Năm 2020, do đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ là -3,4%, nhưng mức chi tiêu cho thú cưng của nước này vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ đó đến nay.
Trên thực tế, kể từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng của thị trường thú cưng ở Mỹ đã cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Tương tự, trong suốt 10 năm suy thoái kinh tế, quy mô thị trường thú cưng ở Nhật Bản không hề suy giảm mà luôn duy trì mức tăng nhẹ, tăng từ 400 tỷ yên (2,9 tỷ USD) năm 2010 lên 500 tỷ yên (3,6 tỷ USD) năm 2020.
Lưu Lãng - Phó chủ tịch Xinruipeng Group, chuỗi cơ sở thú y lớn nhất Trung Quốc - phân tích rằng, với sự phát triển của văn minh vật chất, sự kết nối giữa người với người ngày càng ít đi, trạng thái tinh thần của con người ngày càng yếu đuối, và thú cưng có trở thành đối tượng mà họ có thể tin tưởng, thậm chí là đối tượng duy nhất.
“Mọi người sẽ dựa nhiều hơn vào thú cưng trong những thời điểm khó khăn và lo lắng”, ông Lưu nói.
Một quán cà phê mèo ở thị trấn Gia Cát, thành phố Quỳnh Hải, Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Visual China
Theo báo cáo mới nhất do Viện Nghiên cứu Công nghiệp Kinh doanh Trung Quốc công bố, quy mô thị trường tiêu dùng cho thú cưng của Trung Quốc vào năm 2012 chỉ là 33,7 tỷ nhân dân tệ (4,68 tỷ USD), nhưng từ năm 2012 đến 2021, tốc độ tăng trưởng của thị trường này tại Trung Quốc lên tới 24,88%.
Ngành công nghiệp thú cưng bao gồm tất cả các chuỗi công nghiệp xung quanh thú cưng, liên quan đến chăn nuôi và buôn bán thú cưng, hàng hóa và dịch vụ liên quan đến thú cưng, bao gồm thức ăn cho thú cưng, đồ dùng cho thú cưng, dịch vụ chăm sóc y tế và các dịch vụ khác cho thú cưng. Trong số 249 tỷ nhân dân tệ (34,6 tỷ USD) quy mô thị trường thú cưng Trung Quốc, thức ăn cho thú cưng chiếm 51,5%, chăm sóc y tế chiếm 29,2%, đồ dùng cho thú cưng chiếm 12,8% và dịch vụ cho thú cưng chiếm 6,4%.
Từ năm 2019 đến 2021, số lượng thương hiệu thức ăn và đồ dùng cho thú cưng ở Trung Quốc tăng 34%. Về chăm sóc y tế cho thú cưng, theo "Báo cáo nghiên cứu chuỗi ngành công nghiệp thú cưng" do Công ty bảo hiểm Ping An công bố vào tháng 9/2021, từ năm 2017 đến năm 2021, có gần 900 bệnh viện thú cưng được đăng ký tại Trung Quốc mỗi năm.
Khi thú cưng dần trở thành bạn đồng hành và là thành viên trong gia đình của con người, chuỗi ngành liên quan đến thú cưng vẫn đang phát triển, chẳng hạn như quần áo cho thú cưng, dịch vụ "hậu sự" cho thú cưng... Theo dữ liệu từ Tianyancha, có gần 9.000 công ty ở Trung Quốc có lĩnh vực kinh doanh bao gồm tang lễ cho thú cưng và khử khuẩn động vật. Trong đó, chỉ riêng năm 2021, số lượng công ty thành lập mới đã vượt quá 2.000 công ty, với tốc độ tăng trưởng đăng ký thành lập doanh nghiệp hàng năm là 101,43%.