Khái niệm biên độ an toàn
Biên độ an toàn là một nguyên tắc đầu tư trong đó một nhà đầu tư chỉ mua cổ phiếu khi giá thị trường của nó thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại. Nói cách khác, khi giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn đáng kể so với ước tính của bạn về giá trị nội tại của nó, sự chênh lệch đó chính là biên độ an toàn. Bởi vì các nhà đầu tư có thể thiết lập một mức độ an toàn theo sở thích rủi ro của riêng họ, mua chứng khoán khi có sự chênh lệch này cho phép việc đầu tư được thực hiện với rủi ro giảm giá tối thiểu.
Trong kế toán, biên độ an toàn (hay biên an toàn) đề cập đến sự khác biệt giữa doanh số thực tế và doanh thu hòa vốn. Các nhà quản lý có thể sử dụng biên độ an toàn để biết doanh số có thể giảm đến mức nào trước khi công ty hoặc một dự án trở nên không mang lại lợi nhuận.
Hiểu về biên độ an toàn
Biên độ của nguyên tắc an toàn đã được phổ biến bởi nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ gốc Anh, Benjamin Graham (được biết đến như "cha đẻ" của đầu tư giá trị) và những người học trò của ông, đặc biệt là Warren Buffett.
Các nhà đầu tư sử dụng cả yếu tố định tính và định lượng, bao gồm quản trị doanh nghiệp, chính sách, hiệu suất ngành, tài sản và thu nhập để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu. Giá thị trường sau đó được sử dụng làm mốc so sánh để tính biên độ an toàn. Buffett, một người tin tưởng vào biên độ an toàn và uyên bố đây là một trong những "nền tảng đầu tư" của mình, được biết là áp dụng mức chiết khấu 50% từ giá trị nội tại của cổ phiếu làm mục tiêu giá mua của mình.
Tính toán biên độ an toàn khi đầu tư cung cấp cho nhà đầu tư một "đệm đỡ" khi xảy ra các sai lầm trong đánh giá hoặc tính toán của nhà phân tích. Tuy nhiên, điều đó không đảm bảo cho một khoản đầu tư thành công, phần lớn là do việc xác định giá trị "thực sự" hoặc giá trị nội tại của một công ty là rất chủ quan. Các nhà đầu tư và phân tích có thể có những phương pháp khác nhau để tính giá trị nội tại, và hiếm khi chúng chính xác hoàn toàn. Ngoài ra, rất khó để dự đoán thu nhập hoặc doanh thu của công ty.
Ví dụ về biên độ an toàn
Nguyên tắc của Graham dựa trên những sự thật đơn giản. Ông biết rằng một cổ phiếu có giá 1 USD ngày hôm nay có thể có giá 50 cent hoặc 1,50 USD trong tương lai. Ông cũng nhận ra rằng mức định giá 1 USD hiện tại có thể khiến ông sẽ phải chịu rủi ro không cần thiết. Do đó ông kết luận rằng nếu có thể mua một cổ phiếu với giá rẻ hơn so với giá trị nội tại của nó, ông sẽ hạn chế đáng kể tổn thất của mình. Mặc dù không có gì đảm bảo rằng giá cổ phiếu sẽ tăng, nhưng việc giảm giá mang lại biên độ an toàn mà Graham cần để đảm bảo rằng tổn thất của ông sẽ ở mức tối thiểu.
Ví dụ: nếu ông xác định rằng giá trị nội tại của cổ phiếu XYZ là 162 USD, thấp hơn giá thị trường là 192 USD, mức chiết khấu 20% cho giá mua mục tiêu là 130 USD có thể được áp dụng. Trong trường hợp này, ông có thể cảm thấy XYZ có giá hợp lý ở mức 192 USD nhưng sẽ không xem xét đến việc mua nó với giá cao hơn giá trị nội tại 162 USD. Để hạn chế hoàn toàn rủi ro, ông đặt giá mua là 130 USD. Sử dụng mô hình này, Graham có thể không thể mua bất kỳ cổ phiếu XYZ trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu giảm xuống còn 130 USD vì những lý do khác ngoại trừ sự sụp đổ về triển vọng thu nhập của XYZ, ông có thể hoàn toàn tự tin mua nó.
Biên an toàn trong kế toán
Là một thước đo tài chính, biên độ an toàn bằng với chênh lệch giữa doanh số bán hàng hiện tại (hoặc dự báo) và doanh số tại điểm hòa vốn. Biên độ an toàn đôi khi được báo cáo dưới dạng tỷ lệ, trong đó công thức nói trên được chia cho doanh số hiện tại hoặc dự báo để mang lại giá trị phần trăm. Con số này được sử dụng trong cả phân tích và dự báo nhằm thông báo cho ban lãnh đạo của một công ty về "doanh thu an toàn" trong doanh số thực tế hoặc báo cáo ngân sách trước khi công ty chịu lỗ.