Phạm vi lập quy hoạch bao gồm ranh giới hành chính thành phố Hạ Long, có diện tích tự nhiên khoảng 27.753,9 ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm các khu vực lân cận thành phố Hạ Long như: Huyện Hoành Bồ, thị xã Quảng Yên và thành phố Cẩm Phả.
Dân số thành phố Hạ Long đến năm 2030 khoảng 570.00 - 600.000 người (dân số thường trú khoảng 380.000 - 400.000 người, dân số quy đổi khoảng 190.000 - 200.000 người).
Thành phố phát triển theo mô hình đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long; với 4 vùng phát triển:
Vùng phát triển đô thị về phía Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên vịnh Cửa Lục và vùng Nam huyện Hoành Bồ (thuộc huyện Hoành Bồ), là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ thành phố Hạ Long.
Vùng phát triển phía Đông với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố gắn với phát triển không gian đô thị Cẩm Phả.
Vùng phát triển phía Tây với chức năng đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng... hướng phát triển về phía Nam gắn với vịnh Hạ Long.
Vùng phía Tây mở rộng với chức năng đô thị sinh thái, biển đảo, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên; với các trung tâm du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển không gian đô thị.
Về định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó, định hướng công nghiệp, chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng sang sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và kho bãi, với diện tích khoảng 1.416 ha, bao gồm: Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng (511 ha) thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại. Từng bước chuyển đổi Khu công nghiệp Cái Lân (305 ha) sang công nghiệp sạch, dài hạn có thể chuyển đổi thành khu vực phức hợp dịch vụ đô thị và dịch vụ cảng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cụm công nghiệp Hà Khánh (50 ha) để đáp ứng các nhu cầu dịch chuyển công nghiệp nhỏ lẻ trong đô thị. Hoàn nguyên môi trường các khai trường mỏ lộ thiên, chuyển đổi thành các khu công viên cây xanh thể dục thể thao (sân golf), khu du lịch, đô thị sinh thái theo lộ trình đối với các khu kết thúc khai thác; xác định các vành đai cây xanh cách ly, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với các mỏ còn tiếp tục khai thác.
Về định hướng phát triển du lịch, phát triển du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại Bãi Cháy - Hùng Thắng, du lịch văn hóa tại khu vực Hòn Gai, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao tại Tuần Châu, Đại Yên, kết hợp với địa phương lân cận để bổ sung các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Thu hút đầu tư hệ thống các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí chất lượng cao để cung cấp dịch vụ đa dạng cho khách du lịch. Bố trí quỹ đất 524 ha để xây dựng các cơ sở lưu trú như resort, khách sạn, nhà nghỉ...
Phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển Hồng Gai, Hồng Hà, Hà Phong, Cao Xanh, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu... để phục vụ du khách và cộng đồng. Phát triển các hoạt động đa dạng trên vịnh Hạ Long và vịnh Cửa Lục để phục vụ du khách.
Cùng với quy hoạch Hạ Long, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn nhằm đưa nơi đây trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn cần huy động để đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 – 2030 theo quy hoạch là 171.550 tỷ đồng. Vốn đầu tư trong nước 75.150 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 96.400 tỷ đồng.
Để hút được nguồn vốn này, giải pháp của UBND tỉnh Quảng Ninh là tăng cường công tác quản lý quy hoạch; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi, công khai quy hoạch, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Trong đó, đặc biệt lưu ý triển khai quy hoạch đô thị cao cấp để thu hút các đối tác và doanh nghiệp lớn đến làm việc, sinh sống.
Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Vân Đồn cần đổi mới tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn nhất là các nhà đầu tư chiến lược như SunGroup, nhà đầu tư hạ tầng để thúc đẩy mời gọi, thu hút các nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài;
Kế hoạch của UBND tỉnh cũng nhấn mạnh việc chính quyền phải trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án cụ thể phù hợp với định hướng phát triển của khu kinh tế và lợi ích của nhà đầu tư, xác định các thị trường trọng điểm để xúc tiền đầu tư du lịch, thương mại như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Nghiên cứu việc mở văn phòng xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm và tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ước tính, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030. Năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hiện đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn gồm: Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; phát triển du lịch cao cấp; phát triển dịch vụ hiện đại; công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp.
Có thể nói, với định hướng phát triển mạnh mẽ Hạ Long và Vân Đồn trong thời gian tới hai khu vực này sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo tiền đề phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây.