Theo trang Sina (Trung Quốc), ngày 15/1, đất nước Tonga (phía nam Thái Bình Dương) đã hứng chịu thảm họa kép núi lửa phun trào và sóng thần.
Một đội tình nguyện địa phương đã phải dùng chổi và nhiều phương tiện để quét sạch tro núi lửa khỏi đường băng của sân bay, cho phép các chuyến bay viện trợ từ Australia và New Zealand hạ cánh vào ngày 20/1.
Dọn dẹp tro núi lửa tại sân bay quốc tế Tonga
Tuy nhiên, những ngày sau đó, việc dọn sạch tro núi lửa vẫn là ưu tiên cấp thiết của người dân Tonga, từ cơ sở hạ tầng như sân bay, đường sá… đến nhà cửa của cư dân. Nhưng vấn đề là viện trợ từ khắp nơi trên thế giới đã bỏ qua một công cụ quan trọng: cây chổi.
Tonga cần gấp những cây chổi để dọn dẹp
Theo Sina, hơn 480.000m3 tro núi lửa vẫn chưa được dọn dẹp trên một trong những hòn đảo lớn nhất của Tonga. Thảm họa núi lửa đã "phủ một tấm thảm" dày 3cm trên quần đảo gồm khoảng 170 hòn đảo tại Thái Bình Dương này.
"Tro núi lửa vẫn là vấn đề lớn nhất. Mọi người cần những chiếc chổi lớn để làm sạch đường phố và mái nhà". Chủ tịch Quốc hội Tonga Fatafehi Fakafanua cho biết, hiện tại Tonga không có đủ chổi để dùng và công cụ đơn giản này đã bị bỏ qua trong các chuyến hàng viện trợ của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, trời cũng không có mưa để rửa sạch tro bụi.
Tro núi lửa cũng khiến cuộc sống hàng ngày của những cư dân tại Tonga trở nên khó khăn.
Người dân Tonga mỗi ngày đều phải quét dọn tro núi lửa nhiều lần.
Cô Sarah – chủ một hiệu sách ở thủ đô Nuku'alofa - gặp khó khăn khi phải dọn dẹp trong nhà và ngoài trời nhiều lần mỗi ngày. Công việc này dường như không bao giờ kết thúc. Cô và gia đình phải quét tro từ mái nhà vào túi, tưới vườn, rửa xe, rửa cây cối và rất nhiều thứ 2 - 3 lần mỗi ngày. Vòi phun nước cao áp cũng liên tục bị hỏng do sử dụng quá nhiều. Sau khi làm sạch bên ngoài lại phải dọn dẹp bên trong nhà.
"Có vẻ như công việc dọn dẹp sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng tôi phải lau sàn 2 - 3 lần, nhưng sau khi lau, mặt đất vẫn còn đầy bụi, và mọi người gần như có thể trượt băng trên đó", Sarah nói trong bất lực.
Một nghiên cứu chung của các trường Đại học Oxford, Bristol, East Anglia và Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho thấy, hoạt động của núi lửa thường được biểu hiện bằng một giai đoạn phun trào liên tục với tro rơi trong khoảng thời gian vài tuần. Một nghiên cứu năm 2019 cũng chỉ ra rằng thời gian trung bình của một vụ phun trào núi lửa là khoảng 7 tuần.
Vì vậy, việc trở lại cuộc sống bình thường vẫn còn là một chặng đường dài đối với người dân Tonga.
Thứ cư dân Tonga rất cần lại đầy xó nhà Việt Nam
Chổi đót (hay còn có tên gọi khác: chổi chít, chổi bông cỏ) là sản phẩm thủ công rất quen thuộc với người Việt Nam, chủ yếu được sản xuất theo làng nghề trải khắp Bắc Bộ và Trung Bộ như tại Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam.
Vật liệu làm chổi là bông của cây đót (chít) chưa nở hoa, được phơi khô và đan thành hình quạt nan. Mặc dù cây đót có ở hầu hết các tỉnh ở Việt Nam nhưng số lượng đót tập trung nhiều ở Tây Bắc, nên quy mô sản xuất chổi ở vùng này là lớn nhất cả nước.
Người dân làm chổi đót tại Hà Tĩnh.
phẩm cực kỳ thông dụng này được bán ở khắp các chợ truyền thống hoặc cửa hàng tạp hóa với giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/cái.
Gần đây mặt hàng chổi đót của Việt Nam đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng tại một số thị trường nước ngoài.
Chổi đót Việt Nam có nhiều ưu điểm về sự tiện dụng và thân thiện với môi trường, nên dễ dàng nhận được sự chú ý của các đơn vị nhập khẩu mặt hàng gia dụng tại nhiều quốc gia, như Philipin, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada...
Theo tiết lộ của một cơ sở chuyên sản xuất chổi xuất khẩu, khi làm việc với đối tác nước ngoài thì được biết chổi đót Việt Nam có những đặc điểm vượt trội về thiết kế, chất liệu, độ tiện dụng so với mặt hàng chổi bản xứ, nhưng việc nhập khẩu không dễ dàng, cho nên giá chổi đót tại thị trường nước ngoài đang rất cao so với giá tại Việt Nam.
Giá một cây chổi đót đang được bán trên trang Amazon Mỹ với giá 9,1 USD (khoảng 206.000 VNĐ).
Mức giá chổi đót được rao bán ở nước ngoài có thể khiến người Việt sửng sốt. Tuy nhiên, theo cơ sở chuyên sản xuất chổi xuất khẩu, có nhiều yếu tố quyết định khiến người bán "thổi" giá trên các trang mua sắm trực tuyến ở nước ngoài.
Ở Việt Nam, cái chổi có giá 30.000 VNĐ nhưng muốn mang ra nước ngoài để bán thì phải mất tiền vận chuyển, thuế, tiền làm việc với bên thứ ba như Amazon, Ebay… Do đó, mức giá đắt đỏ trên cũng trở nên dễ hiểu hơn.