"Dự án BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc – Hoà Bình đã chậm tiến độ hơn 1 năm, đến ngày 5/4/2018, dự án đã chính thức được bàn giao 100% mặt bằng sạch từ Thành phố Hà Nội và tháo gỡ các khó khăn về vốn, đảm bảo về đích theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể", ông Lưu Việt Khoa, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Dự án BOT Quốc lộ 6 (QL6) Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Hà Nội - Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại Thành Lộc thực hiện.
Dự án gồm hai hợp phần: Xây mới tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7 km và cải tạo, nâng cấp tuyến QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6 km.
Trong đó, hợp phần QL6 Xuân Mai - Hòa Bình đã hoàn thành từ tháng 4/2015, tiến hành thu phí từ 20/10/2015. Trong khi tuyến mới Hòa Lạc - Hòa Bình đã được Bộ Giao thông vận tải đồng ý lùi tiến độ hoàn thành đến tháng 8/2017.
Tuy nhiên, đến nay dự án tiếp tục trễ hẹn khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ra "tối hậu thư" cho Ban quản lý dự án 2, các nhà đầu tư phải tăng tốc đưa dự án về đích vào ngày 31/8/2018.
Đã có mặt bằng và vốn
Trên thực tế, một trong những khó khăn phải nhắc đến tại dự án BOT QL6 Hoà Lạc – Hoà Bình là mặt bằng.
Tuy nhiên, nút thắt này được tháo gỡ vào ngày 5/4/2018 khi Hà Nội chính thức bàn giao 100% mặt bằng sạch tại 2 xã Yên Bình và Yên Trung, huyện Thạch Thất. Trong đó, đáng chú ý là phần đất, nhà công vụ thuộc Lữ đoàn 144 (tại xã Yên Bình, Thạch Thất) đã chính thức được giao lại toàn bộ.
Thượng tá Lê Trung Lý cho biết, để giải quyết dứt điểm và bàn giao mặt bằng sạch cho dự án, Lữ đoàn đã xây mới, bố trí nhà công vụ cho các cán bộ chiến sỹ, đến ngày 5/4/2018, chúng tôi đã chính thức bàn giao toàn bộ diện tích đất liên quan đến phần phải giải phóng mặt bằng của Lữ đoàn là 10.055m2 (gồm 14 hộ gia đình, chiến sỹ).
Ông Lưu Việt Khoa cho biết thêm, cũng trong ngày 5/4, Ban quản lý dự án tiếp tục được phía Hà Nội bàn giao thêm toàn bộ mặt bằng tại các điểm còn lại thuộc xã Yên Trung, Thạch Thất, như vậy, đến nay, nhà thầu đã có đủ 100% mặt bằng sạch để thi công dự án.
Bên cạnh việc tin vui về đảm bảo mặt bằng, ông Khoa cũng cho biết, phần vốn của dự án cũng đã được khơi thông.
Liên danh nhà đầu tư đã nộp đủ vốn, trong đó, nhà đầu tư Tổng công ty 36 đã bỏ tiền mua lại 9,5% cổ phần (khoảng 34 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco), nâng phần vốn góp của Tổng công ty 36 lên 49,5% (khoảng 185,13 tỷ đồng). Công ty Cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc góp đủ 25% vốn (93,5 tỷ đồng), còn lại 25,5% (khoảng 95,37 tỷ đồng) của Hanco hiện đã đóng được 84,02 tỷ đồng. Với số vốn đóng đủ trên, Ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ vốn tín dụng) đã đồng ý tiếp tục giải ngân cho dự án.
Trảm một loạt thầu yếu
Ông Lưu Việt Khoa cũng khẳng định, hiện vốn mặt bằng đã được tháo gỡ, vì thế, Ban quản lý dự án 2 yêu cầu chủ đầu tư dự án xử lý các đơn vị vi phạm cam kết tiến độ để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Sau 31/8/2018, nếu nhà đầu tư không hoàn thành dự án, Ban quản lý dự án 2 sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chấm dứt hợp đồng và xử lý các đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (nhà đầu tư dự án) cho biết, việc thay thế, cắt việc một số thầu yếu là cần thiết để đảm bảo tiến độ, chất lượng chung của dự án.
Cụ thể, nhà đầu tư đã thay thế các nhà thầu Nam Việt (gói 7) và liên danh Thành Nam-Sao Vàng (gói 8), Công ty Cổ phần 36.25, thuộc Tổng công ty 36 (gói 10) và liên danh Nam Việt – Công ty xây dựng 222 (gói 14).
Ông Lưu Việt Khoa cho biết, việc "trảm" thầu yếu đã giúp dự án tăng tốc đáng kể, hiện tổng giá trị xây lắp toàn dự án đã đạt 1.169/1.534 tỷ đồng (khoảng 76%). Trong đó, hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đã hoàn thành, giá trị đề nghị quyết toán là 391 tỷ đồng.
"Riêng đoạn xây mới Hòa Lạc - Hòa Bình hiện đạt 782/1.148 tỷ đồng (68%). Trong đó, phần cầu (gói thầu 17, 18, 19) đã cơ bản hoàn thành (trừ cầu Đèo Bụt 1 đã lắp xong dầm và một phần bản mặt cầu). Về phần đường, tại tỉnh Hòa Bình (dài 19,3 km gồm các gói 9, 15, 20), đã hoàn thành 18,4 km (đạt 94,8%).
Hiện chỉ gặp một chút khó khăn việc đấu nối đường nước Sông Đà chưa hoàn thành ảnh hưởng đến 300 m (tại gói 9). Tại Hà Nội (6,4 km), các nhà thầu đang tăng tốc thi công việc đắp nền đường, thi công cầu, cống với sản lượng đạt khoảng 43%", ông Khoa nói.