Trong đó, Luật Đất đai 2024 có những nội dung nổi bật như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Thông tin thêm về Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, theo tinh thần của Luật Đất đai 2024, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là tham mưu Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, còn tất cả các nội dung quản lý nhà nước khác, Luật đã giao, phân cấp về các địa phương. Bộ sẽ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra, hướng dẫn. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để Dự thảo đảm bảo chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành.
Về một số nội dung đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước)…
Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách…
Quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bổ sung một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đat, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, thu hồi đất liên quan đến quốc phòng, an ninh…
Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 đã phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân 4 dự thảo nghị định quan trọng gồm Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai, Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất. Thời hạn kết thúc lấy ý kiến là ngày 7/4/2024 và dự kiến, các dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2024.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ nhất là việc chỉ đạo rà soát và ban hành theo thẩm quyền các quy định của UBND, HĐND được giao trong Luật Đất đai 2024. Theo đó, với quyết tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay Bộ đang đẩy nhanh nhất tiến độ xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn và báo cáo Chính phủ nếu kịp thì cùng với Bộ Xây Dựng sẽ đề nghị Quốc hội cho Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, có hiệu lực trong tháng 7/2024 nếu Quốc hội cho phép.