Rút ngắn thời gian hoàn thành cao tốc Bắc - Nam
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, hiện đại tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Nghị quyết cũng đã xác định, trong nhiệm kỳ này cả nước phải hoàn thành khoảng 2.000 km đường cao tốc.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, vì vậy Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành , thường kỳ 1 tháng họp một lần và Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức kiểm điểm tiến độ 1 tuần/ 1 lần.
Đoạn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ là công trình về đích đầu tiên trong dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh minh họa.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, đoạn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ là công trình về đích đầu tiên trong dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1, trước 3 tháng so với kế hoạch.
Đã có những thời điểm, dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam bị chững lại do dịch bệnh, thiếu nguyên vật liệu. Nhưng đến thời điểm này, các hạng mục chính phần lớn các dự án đều hoàn thành, sẵn sàng cán đích theo kế hoạch.
Ngay trong năm nay, 4 dự án thành phần với tổng chiều dài 361km gồm: Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ đưa vào khai thác.
Hết tháng 5/2022, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân gần 30% vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng giao. Như vậy, từ nay đến cuối năm bình quân mỗi tháng Bộ Giao thông vận tải sẽ phải giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng.
Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025
Cùng với 4 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác năm nay, trong giai đoạn 2023 - 2024, 7 đoạn dự án còn lại sẽ được hoàn thành. Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được cũng đặt mục tiêu đầu năm 2025 đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đầu tư 66 dự án khởi công mới. Từ cuối nhiệm kỳ trước đến nay, 48/66 dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm 1 dự án quan trọng quốc gia đó là dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
2/9 dự án nhóm A gồm cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Cao Hữu - An Lãnh. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng phối hợp cùng các địa phương triển khai 45/53 dự án nhóm B,C.
Đây là những dự án quan trọng, không chỉ tạo nền tảng phát triển cho các địa phương mà còn lan tỏa thành các trục, các vùng kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn này dự kiến nguồn vốn cho các dự án giao thông khoảng 500.000 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông sẽ có nhiều thay đổi lớn thời gian tới
Để triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Bộ Chính trị đã quyết sách nhiều chủ trương lớn về phát triển hệ thống giao thông liên vùng ở Tây Bắc và Tây Nam Bộ cũng như đường vành đai ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chưa có giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước dành nguồn lực rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông như hiện nay.
Để triển khai nhiệm vụ này, hơn một năm qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới nhiều công trường từ Bắc vào Nam với mục tiêu thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Thủ tướng đã quán triệt nguyên tắc "ba không": Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm và cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần "Nghĩ phải chín, phải kỹ. Nỗ lực phải lớn và hành động phải quyết liệt, hiệu quả".
Chỉ trong 2-3 năm tới, hệ thống giao thông của Viêt Nam sẽ được cơ bản hoàn thiện theo hướng tiên tiến, hiện đại. Ảnh minh họa.
Theo các tổ chức nước ngoài, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phát triển hạ tầng giao thông chắc chắn Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay: "Có thể thấy Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chất lượng cao và hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhìn vào chiến lược quốc gia 10 năm tới của Việt Nam có thể thấy Chính phủ đang chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng có gói tín dụng hỗ trợ phục hồi của WB dành cho Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phục hồi kinh tế đất nước cũng như phát triển hạ tầng cho tương lai".
"Việt Nam cần thêm rất nhiều hạ tầng giao thông vì Việt Nam hiện vẫn nằm trong số các nước có chi phí logistics cao nhất khu vực, chiếm khoảng 20% GDP. Mặc dù có nhiều lý do để nhà đầu tư hướng vào Việt Nam nhưng nếu chúng ta chưa có giải pháp nào về vấn đề này sẽ mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Với những dự án hạ tầng đang triển khai cũng như bổ sung những dự án còn thiếu trong mảnh ghép liên kết hạ tầng sẽ là nhân tố thúc đẩy làn sóng đầu tư từ Mỹ và châu Âu vào Việt Nam", ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Khu công nghiệp DEEP C nhận định.
Không được kêu khó, không được lùi - đó là chỉ đạo xuyên suốt của thủ tướng đối với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Như vậy, chỉ trong 2-3 năm tới, hệ thống giao thông của Viêt Nam sẽ được cơ bản hoàn thiện theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Quyết tâm rất lớn nhưng không chỉ có Chính phủ mà các địa phương và Bộ, ngành cũng phải vào cuộc mới đưa mục tiêu thành hiện thực. Giao thông thông suốt, không chỉ giúp tiết giảm chi phí logictic, tạo sự cạnh tranh cho nền kinh tế, mà còn sớm hình thành trục tăng trưởng mới cho đất nước.