Dự kiến, tuyến BRT số 1 có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng sẽ được khởi công trong thời gian tới và hoàn thành trong năm 2022. Tuyến BRT số 1 dài 26km chạy dọc hành lang Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, kết nối tuyến metro số 1 tại ga Rạch Chiếc (Tp.Thủ Đức). Trung tâm quản lý giao thông công cộng còn thiết lập hệ thống xe buýt trục chính, nhánh và xe buýt gom nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành gần 86% khối lượng thi công, dự kiến vận hành năm 2022. Vấn đề nhiều người quan tâm là các cơ quan chức năng đã chuẩn bị như thế nào để tạo thuận lợi đi lại cho hành khách sử dụng tuyến metro này.
Toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng cộng 14 nhà ga, là những điểm tàu dừng để hành khách lên xuống. Một trong những điều người dân khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng này quan tâm là phương thức di chuyển tới các nhà ga để đi và khi xuống tàu sẽ đi đến nơi mình cần đến bằng phương tiện gì. Khu vực xung quanh các ga này hiện vẫn chưa có các điểm giữ xe cho khách đi tàu.
Trong khi đó, theo Ban quản lý đường sắt đô thị, tại tầng trệt của hầu hết nhà ga đều có bố trí bãi giữ xe đạp, xe máy... Mỗi bãi giữ xe có diện tích 600-3.000m2, có thể giữ được 220-1.100 xe. Đặc biệt, tại nhà ga Bến Thành, điểm kết nối của 7 tuyến metro còn lại, ngoài bãi giữ xe tại chỗ của nhà ga, quanh khu vực này còn có hàng chục bãi giữ xe khác, như bãi giữ xe tại Công viên 23-9, hầm giữ xe các tòa nhà cao tầng...
Thế nhưng, hiện nay ngoài các ga ngầm tại khu vực trung tâm Bến Thành được kết nối với trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi (với 40 tuyến buýt), hành khách từ khắp các hướng, quận huyện khác trên địa bàn TP có thể đi xe buýt đến đây lên metro số 1, còn hầu hết tuyến metro khác chưa được đầu tư hay đầu tư nhưng chưa hoàn thành.