Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt của đoàn Gia Lai đề cập nhiều tới chất lượng quy hoạch.
Theo ông Vượt, quy hoạch hiện tại chỉ tương đương nhiệm kỳ và đậm ý chí cá nhân. Đại biểu Quốc hội Gia Lai còn nhắc đến dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt, làm thay đổi quy hoạch, làm nát quy hoạch ban đầu.
"Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, điều chỉnh quy hoạch luôn luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa lợi ích của người dân như tăng số tầng, tăng diện tích sàn, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh. Các khu tái định cư cho dân lại có chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất", ông Vượt nhấn mạnh.
Những tồn tại này đã và đang gây ra tổn thất kinh tế, bức xúc không nhỏ cho xã hội và mọi người dân. Thậm chí, nó kéo theo một số tình trạng không thể khắc phục như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện, nước, hệ thống hạ tầng… ngày càng tăng. Ông Vượt cho rằng những vấn đề này đang xảy ra ở các thành phố lớn nhưng trong tương lai, nó sẽ lan tới tất cả các đô thị trên cả nước.
Theo ông Vượt, suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện cũng chính là làm nát quy hoạch, dẫn đến nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách, giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc khác như bất cập, ảnh hưởng tới cuộc sông diễn ra hàng ngày.
"Cử tri kỳ vọng, mong muốn trụ sở cơ quan cũ bị di rời sẽ thành vườn hoa, công viên thành khu vui chơi, các công trình tiện ích chứ không phải lại nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B", ông Vượt phát biểu và đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch, quản lý quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm chặn đứng căn bệnh này.
Vấn đề nhiều người giàu lên từ đất cũng được vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu lên dù không phủ nhận nhiều doanh nghiệp được giao đất đã và đang phát huy lợi thuế cho đất đai, làm giàu cho đất nước, địa phương, tạo ra công trình văn minh, hiện đại.
Trước những vấn đề còn tồn tại trong việc giao đất cho doanh nghiệp, ông Vượt đề nghị Quốc hội, Chính phủ kịp thời bịt lỗ hổng, thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng được cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu cũng như có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích.
"Quan trọng hơn cả là thu hồi tài nguyên để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác", ông Vượt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Vượt cũng đề nghị báo cáo bổ sung thực trạng, nguyên nhân, dự báo, cảnh báo về những cơn sốt đất đáng kinh ngạc từ cuối năm 2018 và đặc biệt là trong năm nay. Cơn sốt khiến giá đất tăng vù vù ở hầu hết các địa phương trên cả nước, vượt tầm kiểm soát. "Dòng tiền chảy vào đến từ đâu trong bối cảnh ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng? Nó có tác động đến lạm phát hay không, có gây ra nợ xấu, bong bóng bất động sản hay không?", ông Vượt đặt câu hỏi.