Phúc đáp về chất lượng đầu vào của ứng viên học phi công, Cục Hàng không cho rằng: Cơ quan này xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài; và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng các trường học phi công đa số là các trường nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo thấp. Tuy nhiên, Cục Hàng không lại cho rằng, cơ quan này tổ chức đánh giá, công nhận các trường đào tạo người lái tàu bay đã được Cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Newzealand).
Cục Hàng không tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của nhà chức trách các quốc gia trên công nhận bằng chứng chỉ đào tạo.
“Bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, nhưng đầu ra dựa trên 2 điều kiện chính: Tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO và được Cục Hàng không đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam; cá nhân người lái tàu bay phải được Cục Hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện tổ chức kiểm tra, đánh giá để cấp Bằng người lái tàu bay (PPL, CPL/IR)”, Cục Hàng không khẳng định.
Do việc hoàn thành các nội dung huấn luyện là bắt buộc và nên tùy vào nỗ lực của các học viên có thể có thời gian huấn luyện khác nhau.
Đại biểu Cương cho rằng, có hiện tượng ra giá từ 20.000 – 25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn phi công chuyển loại tàu bay... Cục Hàng không cho rằng, cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không.
Tuy nhiên, Cục Hàng không khẳng định, cơ quan này hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay.
“Các tồn tại do đại biểu nêu ra không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập, khách quan, chất lượng của cục đối với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác”, Cục Hàng không khẳng định.
Trước đó, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đã tiếp xúc với một số phi công (trong đó có cả người nhà của ông Cương) của Vietnam Airlines và nhận thấy một số vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Điển hình là về lựa chọn đầu vào học phi công mang tính hình thức, ai cũng được học; trường học chất lượng đào tạo thấp; mất phí cho việc kiểm tra, sát hạch chuyển loại tàu bay; thời gian báo trước trước khi được chấm dứt hợp đồng lao động...
Ngoài yêu cầu Cục Hàng không báo cáo, ngày 25/7, Văn phòng Bộ GTVT tiếp tục có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo, giải trình về các vấn đề Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nêu. Nội dung trả lời trước ngày 31/7.