Phát biểu trong thảo luận tại Hội trường xung quanh Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm của tỉnh Phú Thọ cho biết: Nghị quyết của Đảng từ năm 2012 đã chỉ rõ "đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, cần qui hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn từ đất đai đầu tư cho công trình này, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách".
Ông Hàm nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn mang lại nhiều lợi ích, kể cả cho người dân nhưng thực tế triển khai ít, nơi làm, nơi không, công trình làm, công trình không mặc dù cách làm này đã thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới và một số địa phương ở trong nước. Vì vậy, Chính phủ cần hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện các căn cứ pháp lý, quyết tâm triển khai bằng được chủ trương này.
Cho rằng khó khăn lớn nhất là việc tạo nguồn để thực hiện, nhưng thực chất chỉ là tìm nguồn để ứng cho việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, ngay sau khi thực hiện được bước này, Nhà nước có thể thu hồi được ngay tiền bằng cách đấu giá đất sạch ở vùng phụ cận nên ngoài việc ứng trước ngân sách có thể vay nguồn tạm thời nhàn rỗi của các quĩ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vay tồn ngân kho bạc để thực hiện sau đó hoàn trả từ tiền đấu giá đất.
"Đối với những thiếu hụt về chính sách như chưa có tiêu chí xác định phạm vi, vị trí, diện tích vùng phụ cận và hình thức thực hiện thu hồi đất … cần nghiên cứu để sớm hoàn thiện", ông Hàm đề nghị.
Về giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách, ông Hàm cho rằng hiện nay rất bất cập giá không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách.
Thừa nhận việc xác định khung giá đất của Chính phủ và việc xác định Bảng giá đất, giá đất cụ thể của các địa phương là khó khăn. Tuy nhiên, ông Hàm đề nghị Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.
"Không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai", ông Hàm khẳng định và đề nghị cần rà soát lại các chính sách liên quan đến tái định cư, hỗ trợ sinh kế để bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống.
Dự án treo cũng là vấn đề Đại biểu tỉnh Phú Thọ nêu ra và đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ông Đàm lấy minh chứng bằng dự án khu Bình Quới - Thanh Đa, Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến hơn 4 nghìn hộ dân, gần 15 nghìn nhân khẩu, có chủ trương qui hoạch từ 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện.
Ông Hàm cũng nêu những bất cập với doanh nghiệp khi đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật đất đai nhưng Đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật đấu thầu. Thực tế thì đấu giá quyền sử dụng đất thường là để thực hiện dự án trên đất trúng đấu giá nhưng giả sử một nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không trúng thầu dự án sử dụng đất đó thì chưa có cơ chế xử lý để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
Nhắc đến các dự án BT, ông Hàm nêu ra vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như xác định giá trị quyền sử dụng đất của quĩ đất thanh toán cho nhà đầu tư chưa rõ ràng về phương pháp, thời điểm xác định. Hiện tại, hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu; hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất… là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí. Nhấn mạnh BT là cần thiết nhưng ông Hàm cho rằng thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư nên cần phải nghiên cứu hoàn thiện ngay.
Về những sai phạm đã được phát hiện và chỉ ra liên quan đến những sai phạm về đất đai, ông Hàm cho rằng việc xử lý nghiêm công chức, cơ quan nhà nước vi phạm phải tương xứng đối với xử lý các doanh nghiệp, các chủ đầu tư.
"Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm, vi phạm của công chức, cơ quan nhà nước thì cũng có trách nhiệm, vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Vì vậy cũng cần phải xử lý nghiêm", ông Hàm nhấn mạnh.