Phát biểu trong phiên thảo luận xung quanh Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đoàn Lạng Sơn lấy chuyện hai sân bay mới và hiện đại nhất được đưa vào vận hành trong năm 2019 để so sánh.
Theo đó, ông Thành cho biết sân bay quốc tế Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc có 7 đường băng, với khả năng phục vụ 100 triệu lượt hành khách, 4 triệu tấn hàng hóa/năm. Công trình này có vốn đầu tư 11,5 tỷ. Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có 4 đường băng, phục vụ 90 triệu khách/năm có vốn đầu tư 12 tỷ USD.
"Trong khi đó, sân bay Long Thành có 2 đường băng, phụ vụ 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa/năm nhưng có vốn đầu tư 16 tỷ USD. Đây là điều rất cần được xem xét so sánh", đại biểu Thành cho biết.
Về báo báo cáo khả thi, ông Thành bày tỏ sự quan tâm đến nhận định cho rằng hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo nghị quyết 94 của Quốc hội về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội và tổng mức đầu tư của dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách đặc thù… của dự án sân bay Long Thành.
"Tôi cho rằng đây là những điều hết sức cơ bản của báo cáo khả thi về dự án nên việc xem xét toàn bộ dự án theo quy định chưa có cơ sở nhận định", ông Thành cho biết.
Trình bày quan điểm của mình, đại biểu đoàn Lạng Sơn cho biết về tiến độ thực hiện, có thể nói đến thời điểm này, với mục tiêu và kỳ vọng đặt ra của Quốc hội khóa XIII có thể chưa đạt. Hồ sơ báo cáo chậm, trình chậm so với yêu cầu thực hiện, nhất là tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện rất chậm. Mục tiêu đến 2020 bàn giao đất là khá khó khăn, ông Thành cho biết.
"Biết đây là một công trình lớn, khối lượng công việc nhiều, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, phải có sự nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cấp chính quyền địa phương", ông Thành nêu rõ.
Về bối cảnh tình hình, đại biểu Thành cho biết thực tế đã có nhiều thay đổi so với nội dung báo cáo tiền khả thi của Quốc hội khóa XIII. Cụ thể là sự tăng trưởng kinh tế, phát triển hàng không trong nước, nhất là các hãng hàng không giá rẻ, kế hoạch nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm, song song với việc sử dụng 2 sân bay trong cùng khu vực sắp tới.
"Tôi cho rằng các yếu tố này ảnh hưởng tới tăng trưởng hành khách và báo cáo khả thi cần đề cập rõ hơn", ông Thành cho biết.
Đối với nguồn vốn và khả năng thu hồi vốn, hiệu quả tính toán, đại biểu Thành nhất trí với nội dung sử dụng vốn doanh nghiệp trong nước kết hợp với xã hội hóa dưới hình thức công tư để thực hiện hóa dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng báo cáo cần chỉ rõ hơn khả năng huy động vốn với các tổ chức đã cam kết và thỏa thuận, tác động của việc huy động vốn này với các hoạt động cho vay khác để phát triển kinh tế cũng như trần nợ công với các khoản vay Chính phủ bảo lãnh.
Chia sẻ thêm về những băn khoăn bên cạnh vốn đầu tư cho dự án sân bay Long Thành với các sân bay quốc tế khác, ông Thành cũng đề cập tới năng lực tài chính của ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) – đơn vị được Chính phủ đề xuất giao đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành.
"Tờ trình cho biết AVC có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Tuy nhiên, chỉ 8/21 cảng hàng không thu đủ chi, có lãi. 13 cảng còn lại phải bù lỗ, chưa thể đóng góp nguồn thu cho ACV trong tương lai gần", ông Thành cho biết.
Trong khi đó, vốn đầu tư cảng hàng không Long Thành trong báo cáo tiền khả thi là 16 tỷ USD với giai đoạn 1 là 4,79 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền 5 tỷ USD giai đoạn 1 có thể được huy động nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo, ông Thành đề nghị cần phải làm rõ khả năng huy động vốn để tránh nguy cơ thiếu vốn, ảnh hưởng đến tiến độ và cả công trình.
Bên cạnh đó, đại biểu Thành cũng đặt câu hỏi về việc tính toán đầy đủ các chi phí trong hoạt động xây dựng dự án sân bay Long Thành, tránh việc bỏ sót.