Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội, trước nghi vấn cho rằng có sự bảo kê của cơ quan quản lý nhà nước trước vụ bê bối xăng giả của "đại gia" Trịnh Sướng, ĐBQH Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng hiện nay, công an chưa chính thức công bố xăng tại hai cơ sở của Trịnh Sướng ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng là xăng giả. Sai phạm vừa được phanh phui dường như là một tổ chức, không chỉ diễn ra trên địa phận của tỉnh.
"Không được chụp mũ. Không được tư duy là người ta có tội. Phải thực hiện suy đoán vô tội. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra định kỳ và đột suất mà không phát hiện ra sai phạm có nghĩa là thủ đoạn của họ (doanh nghiệp Trịnh Sướng) rất tinh vi", ông Kiên khẳng định trước thông tin cho rằng có nghi vấn bảo kê của chính quyền địa phương cho những sai phạm.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh trong quá khứ, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử phạt 50 triệu đồng, mức phạt gần như kịch khung theo Luật Xử phạm vi phạm hành chính. Về việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhận trách nhiệm, ông Kiên cho rằng lãnh đạo tỉnh nhận trách nhiệm là điều rõ ràng vì nó xảy ra trên địa bàn tỉnh.
"Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, nhận khuyết điểm về mặt quản lý nhà nước. Khuyết điểm nằm ở công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra sai phạm xăng giả". Ông Kiên cũng cho rằng trong vai trò là cơ quan Lập pháp, cần xem lại việc lấy ý kiến cơ sở để xác định xem việc tạo điều kiện hậu kiểm đã phù hợp chưa, cần cải tiến nào để nâng cao chất lượng.
Về vai trò của Bộ Công Thương, ông Kiên nhận định cần nhìn lại việc nhập phụ gia làm xăng giả được quy định ở nghị định, thông tư nào. Theo luật, doanh nghiệp có quyền nhập phụ gia vì nó không phải hàng cấm, miễn là doanh nghiệp thực hiện đẩy đủ các quy định của pháp luật. Việc nhập phụ gia về và sản xuất xăng giả là tình tiết tăng nặng trong quá trình xử phạt.
"Với tư cách người có chuyên môn, cần dự đoán phụ gia doanh nghiệp nhập có thể dùng vào việc gì. Có thể hậu kiểm là phụ gia ấy được làm thành sản phẩm gì, bán cho những ai. Đấy là điểm đang yếu. Sau khi vụ án kết thúc, cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng, cần ngồi lại để xem cần điều chỉnh chỗ nào. Khi điều tra chưa kết thúc và chưa có báo cáo, chưa biết được khâu nào trong chuỗi quản lý nhà nước bị hổng, có vấn đề", ông Kiên nhấn mạnh.
Về vai trò của cơ quan quản lý thị trường, ông Kiên khẳng định Pháp lệnh quản lý thị trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2018 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ. Với Pháp lệnh này, cơ quan quản lý thị trường sẽ vận hành theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, giảm thiểu sự ngăn chặn của địa phương và đảm bảo liên thông thị trường.
"Khi đi kiểm tra chất lượng xăng phải có kế hoạch và được công khai. Kế hoạch được chuyển đến địa phương và các doanh nghiệp có thể biết. Việc kiểm tra đột xuất cũng có những quy định rõ rằng cơ quan thực thi kiểm tra được làm những gì. Có những trường hợp dù biết có sai phạm nhưng không có chứng cữ rõ ràng thì không thể làm được gì", ông Kiên nói.