Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung Quốc lên tới đỉnh điểm khi Tổng thống Donald Trump quyết định nâng thuế từ 10 lên 25% với hơn 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng việc nâng thuế hơn 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh sử dụng một con bài khác để đáp trả Mỹ.
"Mỹ có dư địa đánh thuế Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc đánh vào Mỹ. Chính vì thế, Trung Quốc dùng giải pháp phá giá tiền tệ. Những ngày qua, Trung Quốc phá giá tiền tệ khoảng 2%. Nếu từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc phá giá trên 9%", ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam, đe dọa hàng hóa nước này tràn vào Việt Nam. Theo các số liệu thống kê, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lên tới 65,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Tổng thể, Việt Nam nhập siêu 23,9 tỷ USD từ quốc gia láng giềng. Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến Việt Nam tiếp tục gặp thêm những khó khăn.
"Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đối phó như thế nào? Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không? Đây là bài toán khó bởi phá giá tiền tệ tức là dẫn đến bất ổn về mặt vĩ mô, làm mất niềm tin vào ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ. Chính vì thế, Việt Nam phải hết sức khôn khéo và linh động", ông Ngân nói về những thách thức với Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian tới.
Bên cạnh đó, những vấn đề địa chính trị toàn cầu cung có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Căng thẳng giữa mối quan hệ Mỹ - Iran, dù ở rất xa, những cũng có thể tác động đến Việt Nam bởi những ảnh hưởng đến giá dầu. HIện tại, giá dầu đã tăng trên 30% và xăng nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam cũng đã tăng trên 35%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ tác động đến CPI và đe dọa tình hình vĩ mô của Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, việc Standard & Poor's nâng xếp hạng tín dụng Việt Nam từ BB- lên BB dẫn tới việc đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào nước ta. Từ năm 2018 đến 2019, FDI đổ vào Việt Nam lớn và Trung Quốc dẫn đầu với số lượng dự án rất cao.
"Vấn đề đặt ra là chúng ta kiểm soát đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như thế nào cho đảm bảo. Chúng ta phải làm sao để chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh. Chúng ta phải lập hàng rào kỹ thuật như thế nào để ngăn ngừa, kiểm tra những công nghệ lỗi thời, chọn lọc lấy những công nghệ tốt", ông Ngân nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, vị Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chính Minh cũng nêu vấn đề rà soát thể chế để đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước trong việc cạnh tranh. Những năm qua, Việt Nam đã ưu đãi quá nhiều cho FDI. Chính vì thế, cần rà soát chính sách này để khuyến khích kinh tế trong nước phát triển. Khi đó, kinh tế Việt Nam mới thực sự tốt và ổn định.
Đo lường chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu chỉ là 70 đến 75/140 quốc gia. Đây là mức chỉ số cạnh tranh rất yếu. Bài toán về giao thông, sân bay, cảng biển, cảng sông đang tắc nghẽn. Chúng ta cần thời gian, giải pháp, nguồn lực từ chính phủ để giải quyết bài toán giao thông, nhất là giao thông đô thị.
Trong năm 2017 và 2018, Việt Nam đã làm tốt và kiểm soát thành công nên bội chi ít. Tuy nhiên, lượng trái phiếu chính phủ được phát hành vào thị trường là 200.000 tỷ đồng. Điều này dẫn tới áp lực cho lãi suất, dẫn tới việc khó giảm lãi suất. Giải pháp là cần cắt giảm bội chi ngân sách, giảm hội họp, chi tiêu không cần thiết để giảm bội chi.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề cập tới giá xăng dầu hiện nay. "Đọc báo cáo của Bộ trưởng bộ Công thương, tôi thấy giải thích rất rõ ràng vì sao tăng giá điện. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc tính giá điện bậc thang như hiện nay. Các nước trong khu vực có số bậc ít hơn trong khi Việt Nam là 6 bậc. Các bậc đầu quy định mức quá thấp nên cần ghép lại", ông Ngân nói.