Phát biểu ý kiến về Dự án luật Chứng khoán sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, khẳng định rằng quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam, hiện nay đang thực hiện được tiến độ rất tốt với mô hình hiện tại.
"Bởi vì vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đến giờ phút này lên đến 5 triệu 600 ngàn tỷ đồng, nếu so với GDP của năm 2018 là đạt trên 100% GDP, trong đó vai trò của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp trên 85% vốn hoá này. Tôi nói như vậy để khi tính toán xây dựng mô hình tổ chức Sở Giao dịch chứng khoán thì chúng ta cần phải có tính kế thừa với luật cũ", ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Điểm thứ hai, tài khoản giao dịch của Việt Nam hiện nay có khoảng 2 triệu 300 ngàn tài khoản nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 30 ngàn tài khoản nhưng họ đang nắm giữ khoảng 25%, tức là tương đương khoảng 35 tỷ đôla. Điều đó đòi hỏi chúng ta thận trọng hơn nữa trong việc tổ chức thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân.
"Trên những cơ sở đó tôi đề nghị kỳ điều chỉnh luật này chúng ta nên xem xét có thể quy định các nội dung đã được Thủ tướng quy định trong Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 01 năm 2009. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và 100% là vốn ngân sách nhà nước, chúng ta không nên quy định vốn 50%", ông Ngân nêu quan điểm.
Lấy minh chứng về sự vội vã cổ phần hoá của Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam ACV, ông Ngân cho biết có lúc chúng ta định mua lại cổ phần đã cổ phần hoá. Để tránh đi vào vết xe đổ này, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ con, ông Ngân nói.
Hiện nay đang có hai sở con mà có tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập và đang tạo được động lực cho các Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, đang hoạt động rất tốt theo mô hình này.
"Với sự nghiên cứu và hết sức thận trọng khi phát biểu, tôi rất mong Quốc hội ủng hộ Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn ngân sách nhà nước và hình thành dưới hình thức là Công ty mẹ - con, còn lại những chức năng khác được Thủ tướng quy định chi tiết. Thủ tướng đã có hướng dẫn chi tiết thông qua Quyết định số 32", ông Ngân chia sẻ.
Đề cập thêm tới quyền phát hành cổ phiếu và trái phiếu của công ty không đại chúng, ông Trần Hoàng Ngân nêu rõ việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu này họ chỉ được phát hành trên cơ sở nghị quyết của Đại hội cổ đông, không ai cấp phép. Đây là một rủi ro rất lớn cho thị trường đối với các công ty không đại chúng.
"Những công ty không đại chúng này thoạt đầu chúng ta nghĩ vốn nhỏ, nhưng thực tế không phải. Có những công ty đại chúng rất lớn, chỉ vì số lượng nhà đầu tư nhỏ nên không được gọi là công ty đại chúng. Do đó, hiện nay đang là một khoảng trống trên thị trường, luật pháp chưa quản lý vấn đề này. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được đăng ký vốn, còn bản thân doanh nghiệp này phát hành huy động vốn trên thị trường đang là một khoảng trống, dẫn đến sự lừa đảo việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu của các công ty không đại chúng", ông Ngân nói.
Đối với các công ty đại chúng, điều này đã được quy định trong Luật Chứng khoán, được Ủy ban Chứng khoán quản lý. Đối với công ty không đại chúng, ông Ngân cũng cho rằng việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu nên được Ủy ban Chứng khoán quản lý.
"Nhưng trong thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán không quản lý vấn đề này. Vậy, chúng ta có trao cho Ủy ban Chứng khoán quản lý việc này không. Nếu trao cho Ủy ban Chứng khoán quản lý các chứng khoán của các công ty không đại chúng thì sẽ được ghi vào trong luật. Nếu Ủy ban Chứng khoán nói không, việc này của Sở Kế hoạch và Đầu tư của Ủy ban nhân dân các tỉnh thì nó sẽ nằm ở Luật Doanh nghiệp chứ không được ghi vào trong Luật Chứng khoán", ông Ngân kết luận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu thực trạng và cho rằng phương án tối ưu là quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng, thực hiện theo cả hai luật để đảm bảo khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng do thị trường trái phiếu có rủi ro nhất định và cần phải quản lý chặt chẽ.
"Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp về huy động vốn trái phiếu, Luật Chứng khoán quy định về nguyên tắc chung về chào bán trái phiếu. Theo đó, chúng tôi đề nghị điều chỉnh lại Điều 29 như sau: Khoản 1 là quy định chào bán cổ phiếu riêng lẻ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Khoản 2 quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, luật này và pháp luật có liên quan. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này như điều kiện phát hành, hồ sơ, thủ tục, nghĩa vụ công bố thông tin, giao dịch, giám sát xử lý vi phạm", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân nói về Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng ý kiến này cần phải nghiên cứu và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội lộ trình trước hết là sắp xếp hai sở giao dịch chứng khoán hiện tại thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2023.
"Chắc là trong 5 năm tới chưa cổ phần hóa được sở này, theo thông lệ quốc tế thì các sở giao dịch chứng khoán là cổ phần, thậm chí là tư nhân nhưng trong điều kiện của chúng ta thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức thì chúng tôi cho rằng việc kế thừa, ổn định để đảm bảo ổn định thị trường phát triển trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập. Đây là ý kiến rất cần phải nghiên cứu", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.