Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận ở Nghị trường sau khi thảo luận tại tổ vài hôm trước?
Luật chứng khoán sửa đổi lần này đã đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời từ năm 2000, đến bây giờ đã hơn 18 năm. Thời gian qua, thị trường chứng khoán có những đóng góp cho phát triển kinh tế cụ thể như vốn hóa thị trường tăng lên, giúp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta thấy những tồn tại nhất định do các quy định cụ thể trong phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO). Quy mô thị trường lên đòi hỏi những điều kiện đặt ra với IPO hay phát hành chứng khoán riêng lẻ cần được xác định trong luật, rồi chứng khoán phái sinh. Thị trường Chứng khoán phái sinh đang được giao dịch nhưng chưa có quy định của pháp luật. Lần này, khái niệm, quy định của thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được đưa vào luật hóa.
Ngoài ra, do các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Khiếu nại tố cáo cũng đòi hỏi sự tương thích nhất định với Luật Chứng khoán nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ban soạn thảo đã chuẩn bị một Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi khá phù hợp.
Hiện tại, tình trạng thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường đang gây nhiều bức xúc trong giới đầu tư. Phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ lên sàn đều thua chứ không thắng. Luật mới có thể giúp được nhà đầu tư tránh được tình trạng này?
Trước hết, nhà đầu tư cần thận trọng, phải bảo vệ chính mình trước khi người khác bảo vệ. Chính vì thế, nhà đầu tư phải có sự hiểu biết rồi mới tham gia vào thị trường. Các nhà đầu tư cần chuyên nghiệp và có tính dài hạn.
Trong trường hợp không có tay nghề, không có chuyên môn, nhà đầu tư nên chọn cách đầu tư vào chứng chỉ quỹ, cổ phiếu quỹ để ủy thác cho những người chuyên nghiệp đầu tư giúp mình.
Trước đây, Luật Chứng khoán 2006 và sửa đổi năm 2010 chưa lãm rõ quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Lần này, luật quy định rõ hơn quyền hạn, chức năng của UBCKNN để có thể xử lý các trường hợp thao túng thị trường cũng như đưa ra những mức phạt cao. Nó có thể giúp thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn.
Ông có đề cập tới mức phạt nhưng liệu mức phạt lên tới 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân như được quy định trong Dự thảo Luật có đủ tính răn đe?
Mức phạt đang được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận. Tuy nhiên, làm sao phải có những cơ quan quản lý với những công cụ đủ mạnh để giám sát thị trường, đảm bảo tính minh bạch cho thị trường. Cái thị trường chứng khoán cần nhất chính là sự minh bạch còn giá chứng khoán, giống như thủy triều, có thể lúc lên, lúc xuống nên nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận.
Dự thảo Luật sẽ tác động như thế nào tới sự minh bạch của thị trường chứng khoán?
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này được xây dựng với sự nghiên cứu luật chứng khoán của nhiều quốc gia. Tôi cho rằng, nó sẽ góp phần làm cho thị trường chứng khoán minh bạch hơn, đáp ứng được những yêu cầu khi chúng ta tái cơ cấu thị trường tài chính, nâng cao hơn nữa vai trò của thị trường Chứng khoán trong việc đáp ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thay chỉ vì dựa vào cửa duy nhất là ngân hàng.
Theo quan điểm của ông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên thuộc Bộ Tài chính hay trở thành một cơ quan độc lập của Chính phủ?
Trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, việc để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính là điều bình thường. Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN nên là một Thứ trưởng, người có thể thay mặt Bộ Tài chính để xử lý nhanh hơn những thủ tục hành chính nếu có. Như vậy sẽ tinh gọn hơn.
Đối với các sở, tôi muốn giữ nguyên hình thức hai sở Giao dịch Chứng khoán như trước đây, không nên áp dụng hình thức sở mẹ và 2 sở con.
Với những quy định hiện có, liệu Luật Chứng khoán sửa đổi có thể tác động tới thị trường khi nó được Quốc hội thông qua?
Trong kỳ họp mày, chúng ta mới chỉ thảo luận về Luật Chứng khoán sửa đổi. Phải tới kỳ họp sau, Quốc hội mới bỏ phiếu thông qua luật này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi được thông qua, nó sẽ góp phần tích cực cho thị trường, nhất là vấn đề luật hóa, minh bạch hóa, công bố thông tin, gắn huy động vốn với niêm yết trên thị trường. Luật hóa được những vấn đề này sẽ giúp tính thanh khoản của công ty đại chúng tăng cao.
Một phần của Dự thảo luật đề nghị nâng mức vốn hóa tối thiểu của doanh nghiệp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Ông có nghĩ quy định này gây khó cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, vốn chiếm tới 97% ở Việt Nam?
Đã là công ty đại chúng, doanh nghiệp cần vốn hóa đủ lớn để đảm bảo sự tồn tại. Anh huy động vốn của nhiều người mà sự tồn tại luôn bấp bênh là điều hoàn toàn không có lợi. Ngoài ra, phí tổn với một công ty đại chúng rất nhiều mà các doanh nghiệp vốn nhỏ không trang trải được. Ví dụ như báo cáo tài chính phải được kiểm toán. Nếu nhỏ sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu này.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng là công ty đại chúng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…. Nếu là công ty đại chúng thì phải có nhiều người tham gia. Luật các nước quy định tối thiểu 300 cổ đông trong khi luật của Việt Nam mới quy định tối thiểu 100 cổ đông mà thôi. Chúng ta cần phải nâng lên và điều này đòi hỏi vốn hóa lớn hơn.
Ngoài ra, GDP của Việt Nam cũng đã tăng, quy mô thị trường lớn gấp 5-6 lần so với thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực năm 2006. Chính vì thế, cần phải nâng lên cho tương xứng.