Tài chính, ngân sách được coi là giải pháp đột phá
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cải cách tiền lương chưa được thành công trong quá khứ. Lý do chính của vấn đề là cải cách tiền lương không được thực hiện đồng thời với tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, cơ chế quản lý, tài chính. Biên chế tăng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp khiến nguồn tiền cho tăng lương không thể bố trí.
"Lần này rất may ở chỗ, cùng với cải cách tiền lương, Hội nghị trung ương 5 cũng ban hành hai nghị quyết: Một là, Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước; Hai là, đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với sự sắp xếp lại như thế, đội ngũ sẽ tinh giản và các đơn vị sự nghiệp tự chủ, hướng tới tính đúng, tính đủ các giá dịch vụ cung cấp. Như vậy mới có nguồn để cải cách" – ông Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Theo đề án cái cách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo, các giải pháp tài chính, ngân sách được xác định là giải pháp đột phá. Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN.
Thay đổi bảng lương để khuyến khích theo đuổi chuyên môn nghiệp vụ
Có 2 mảng trong Đề án cải cách tiền lương: Tiền lương khu vực doanh nghiệp; Tiền lương khu vực công.
Ông Doãn Mậu Diệp cho biết, cải cách đối với mảng doanh nghiệp nhằm giúp tiền lương trở thành động lực để người lao động làm việc, cống hiến, tạo ra năng suất, chất lượng tốt hơn. Hướng cải cách được đưa ra là giảm dần sự can thiệp của Nhà nước từ nay – 2021. Sau đó, có thể tính đến việc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Mức tiền lương sẽ do doanh nghiệp và người lao động thương lượng, đối thoại, thống nhất.
Đối với khu vực công, tiền lương sẽ phải là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động. Khi người lao động không phải lo đến những vấn đề khác để tăng thu nhập, bộ máy sẽ hoạt động hiệu quả hơn, trong sạch hơn.
Số lượng bảng lương theo nội dung Đề án cải cách tiền lương chỉ còn 5, thay cho 7 bảng lương như quy định hiện nay. Trong đó, thiết kế bảng lương chức vụ và bảng lương chuyên môn nghiệp vụ. Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo. Điều này nhằm khuyến khích những người làm chuyên môn không nhất thiết đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể được tăng lương.
"Thực ra cải cách có mấy yếu tố: Thứ nhất, có bao nhiêu tiền ngân sách? Thứ hai, sử dụng bao nhiêu tiền cho tăng lương để xem mức lương trung bình như thế nào? Thứ ba, quyết định khoảng cách thang bậc trong bảng lương như thế nào giữa lương của người cao nhất, trung bình, thấp nhất. Số tiền chi cho lương chỉ có vậy, nếu mức lương thấp nhất mà cao thì mức lương trung bình và mức lương tối đa cũng phải giảm xuống" – ông Doãn Mậu Diệp nói.
Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về "Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp", các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương sẽ được thiết kế lại. Mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ để xây dựng mức lương cơ bản bằng tiền trong bảng lương mới.
Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp (Dự kiến mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức đến năm 2021 là 4.140.000 đồng).
Tờ trình cũng đề nghị mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương theo 02 phương án:
+ Phương án 1: Mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2,34 – 10 như hiện nay lên 1-2,68 – 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới (tương ứng hệ số 1,86 trong bảng lương hiện hành) là 4.140.000 đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 trong bảng lương hiện hành) là 5.960.000 đồng, tăng 27,4 % so với năm 2020. Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng hệ số 10,0 trong bảng lương hiện hành) là 26.700.000 đồng, tăng 33,5% so với năm 2020.
+ Phương án 2: Mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2,34 – 10 như hiện nay lên 1-3-13 để tiếp cận ngay với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới (tương ứng hệ số 1,86 trong bảng lương hiện hành) là 4.140.000 đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 trong bảng lương hiện hành) là 6.680.000 đồng, tăng 42,7% so với năm 2020. Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng hệ số 10,0 trong bảng lương hiện hành) là 33.400.000 đồng, tăng 67% so với năm 2020.
Cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: (1) Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); (2) Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); (3) Tiền thưởng (bằng khoảng 10% tổng quỹ lương). Thiết kết này nhằm tránh việc lương thấp nhưng phụ cấp nhiều. Khoản tiền thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định, dựa trên đánh giá năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có thưởng khuyến khích.
"Như thế, những vướng mắc trước đây về biên chế, bộ máy, kinh phí của những lần cải cách trước đã được đề án này xử lý. Dù vậy, cải cách lần này vẫn đòi hỏi sự duy trì và quyết tâm. Nếu thấy bí về ngân sách, bí về câu chuyện đánh giá cán bộ mà ngừng không thực hiện nữa thì khó có thể thực hiện. Phải kiên trì, quyết tâm theo đuổi." – ông Doãn Mẫu Diệp cho biết.