Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều mới đây, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, nếu cứ áp dụng luật cũ thì đề án sẽ không phát triển được.
Chậm sửa đổi Luật
Ông nhớ lại cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án, phối hợp với Hàn Quốc cải tạo hai bên bờ sông Hồng, mong muốn làm sao đẹp như sông Hàn, có 2 tuyến đường chạy dọc sông. Thế nhưng, cuối cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quan điểm cho là vi phạm hành lang thoát lũ, không khả thi nên toàn bộ dự án “đắp chiếu” cho tới ngày nay.
“Nếu vẫn cứ để luật cũ thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm vẫn tiếp tục. Từ ngày đó tới nay, số lượng nhà tăng gấp đôi, lượng dân cư tăng gấp đôi, đến bây giờ không kiểm soát được”, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho hay.
Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra và càng ngày càng mạnh, lan từ huyện Thanh Trì, sang Đan Phượng, dọc 2 bên bờ sông kín mít hết, người dân cứ tự phát xây dựng.
"Đây là những vấn đề mà Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới thay đổi bộ mặt được", ông Hải đề nghị.
Là người được giao chuyên trách dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng một thời, chia sẻ riêng với DĐDN, ông Đỗ Viết Chiến – nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội kể, năm 2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội do ông đứng đầu sang Hàn Quốc ký một Thoả thuận ghi nhớ.
Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ giúp Hà Nội xây dựng bản quy hoạch 2 bên sông Hồng, đây là bước quy hoạch cơ bản gồm: Thứ nhất là trị thuỷ, thứ hai là giao thông kết hợp thuỷ lợi, thứ ba là khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông.
Mục tiêu đặt ra lúc này là Hà Nội không được quay lưng vào sông mà phải hướng mặt vào sông. Tuy nhiên quy hoạch trước khi trình Thủ tướng phê duyệt thì vướng vào pháp lệnh đê điều nên không thể triển khai. Đây được cho là một bước lùi trong quy hoạch.
Cần chính quyền vào cuộc
Cách đây đúng 10 năm, ông Chiến từng khẳng định: "Nếu không sớm thực hiện dự án sẽ triệt tiêu nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện, quỹ đất này sẽ bị lấn chiếm, lại quay trở lại mốc ban đầu".
Và đến nay ông Chiến cảm thấy rất tiếc khi dự án không thực hiện được. Và ông cảm thấy buồn khi khu đất đề xuất xây dựng dự án giờ đã không còn vì dân lấn chiếm dần. "Mỗi lần bản quy hoạch đưa ra lấy ý kiến thì người dân lại tranh thủ lấn chiếm ra sát bờ sông. Và hiện tại gần như mất hết nguồn lực để thực hiện dự án" - ông Chiến cho biết.
Theo ông Chiến, hai bên bờ sông Hồng có thể cải tạo thành các khu không gian công cộng để tận dụng 2 bờ sông. Khi đó không chỉ người dân ở 2 bên bờ sông mà toàn bộ người dân thủ đô có thể đến vui chơi, giải trí, thăm thú cảnh quan.
Tuy nhiên, gần đây nhất, một dự án giao thông gồm xây dựng dọc hai bên sông Hồng hai tuyến đường trục chính đô thị, dự kiến rộng 40 – 60m đang vướng Luật Quy hoạch và Luật số 35/2018/QH14 Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019 đang tạm dừng để xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án tiếp tục triển khai thực hiện.
Một chuyên gia khẳng định, việc chưa có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cùng những rào cản của các quy định pháp luật về phòng chống lũ lụt, về đê điều chậm thay đổi đã gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân, quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
"Chúng ta phải xem bây giờ hệ thống đê điều của ở các tỉnh miền Bắc có vai trò giống như trước không khi chúng ta đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào hệ thống các hồ đập. Hàng loạt các công trình thủy lợi tầm cỡ thế giới ở thượng lưu sông Hồng, sông Đà đã góp phần làm điều tiết, hỗ trợ phòng chống lũ lụt".
Để xây dựng quy hoạch TP phát triển hiện đại và bền vững, chuyên gia này đề xuất đã đến lúc Luật Đê điều cần phải sửa trên cơ sở tình hình mới; các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội là cơ quan đứng ra chủ trì để lập quy hoạch hai bên sông Hồng.