Trao "cây gậy" cho Uỷ ban chứng khoán
Quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành về thẩm quyền của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật trên TTCK. Hầu hết các nước đều quy định tại Luật chứng khoán thẩm quyền của UBCK trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin; đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu. Trong khi đó, UBCK Nhà nước hiện tại do không được cấp thẩm quyền nên gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi lạm dụng mang tính nghiêm trọng trên TTCK như giao dịch nội gián, thao túng thị trường.
Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi lần này bổ sung một số quyền cho UBCKNN như:
(i) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra
(ii) Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK.
(iii) Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN, Luật chứng khoán hiện hành đang giám sát theo 2 cấp. Tuyến đầu tại Sở GDCK, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo UBCKNN để kiểm tra thanh tra và thu thập thông tin, xử lý theo quy định.
Trong khi đó Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giám sát theo 3 cấp, bắt đầu từ công ty chứng khoán, trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thấy có dấu hiệu giao dịch bất thường có trách nhiệm báo cáo cho Sở GDCK và UBCK, điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Trung tâm lưu ký chứng khoán không phải là đơn vị trực tiếp giám sát giao dịch nhưng là đơn vị cung cấp dữ liệu để UBCK có thông tin phân tích.
Bà Phương cho rằng hiện nay UBCK thiếu thẩm quyền trong việc thu thập dòng tiền của các nhà đầu tư có nghi vấn. Để chứng minh từ dấu hiệu nghi phạm đến lúc "bắt tận tay day tận trán" để xử lý được là cả một vấn đề, không phải thấy nghi vấn là chứng minh được ngay.
Ví dụ có nghi vấn về giao dịch thao túng giá hoặc nội gián, để UBCK chứng minh được có sự thông đồng cấu kết thì phải có căn cứ dựa trên dữ liệu về sao kê chuyển tiền, email trao đổi điện thoại thì UBCK mới có căn cứ xác minh. Nếu UBCK nhận thấy trong ngày đó, các nhà đầu tư trong diện nghi vấn giao dịch rất tích cực mỗi mã cổ phiếu có khả năng tác động đến giá cổ phiếu, được tổ chức tín dụng cung cấp sao kê về dòng tiền, hoặc có sao kê về thời gian cuộc gọi thì có thể chứng minh được mối quan hệ.
Theo bà Phương, tại một số nước UBCK có thẩm quyền nghe điện thoại, khi có cơ sở xác minh phối hợp với cơ quan công an để bóc băng kiểm tra xem ngày hôm đó hai nhà đầu tư trao đổi những gì với nhau. Luật Chứng khoán sửa đổi lần này bổ sung thẩm quyền cho UBCK để giám sát kiểm tra các hành vi giao dịch nội gián để có cơ sở xác định vi phạm, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thu gấp 10 lần khoản thu lợi bất chính
Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, đặc biệt là các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường, dự thảo Luật quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân, đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đối với cá nhân.
Theo một lãnh đạo Vụ của UBCK, dự thảo Luật ban đầu chỉ đặt ra mức phạt tối đa là 3 tỷ với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân, tuy nhiên sau nhiều ý kiến góp ý về việc Bộ Tài chính cần nghiên cứu thêm về mức phạt tối đa với các hành vi vi phạm trên thị trường, UBCK đã có những nghiên cứu phù hợp với các pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật hình sự. Theo đó, với các khoản thu lợi bất chính trên 500 triệu sẽ bị cấu thành tội hình sự, do đó việc áp dụng mức phạt gấp 10 lần có thể hiểu mức phạt 5 tỷ với tổ chức và 2,5 tỷ với cá nhân, ngoài ra còn áp dụng biện pháp tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, đình chỉ/cấm giao dịch; cấm tham gia thị trường, cấm huy động vốn, cấm đảm nhận chức vụ...
Mức phạt 500 triệu đồng chưa đủ răn đe
Mức phạt nặng nhất về xử lý hình sự trên TTCK hiện nay thuộc về công ty MTM khi nguyên Chủ tịch Trần Hữu Tiệp bị xử tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty MTM không có tài sản, không có hoạt động kinh doanh nhưng làm giả hồ sơ để đưa giao dịch UpCOM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông... Các bị cáo sử dụng 59 tại khoản mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung cầu giả tạo. Ngoài ra, các bị cáo thao túng chứng khoán trong vụ này này bị xử 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tội giả tài liệu 4 năm tù...
Đầu năm nay, UBCK đã phạt ông Đinh Xuân Cường (địa chỉ: Số 10, ngõ 10, Hà Trì 1, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) 550 triệu đồng do đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần ANI (mã Ck: SIC).
Ngày 18/12/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quang Dũng (địa chỉ: La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần May Phú Thành (mã chứng khoán: MPT), thông qua việc sử dụng 24 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MPT.
Ông Bùi Ngọc Bút (Địa chỉ: số 12 Ngõ 68 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phạt 550 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) thông qua việc đã sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu IBC.
Nhiều ý kiến cho rằng trong khi các giao dịch thao túng giá chứng khoán thu lợi hàng tỷ đồng thậm chí hàng chục tỷ đồng thì việc phạt 500 triệu không đủ sức răn đe.