Hôm qua (28/2), Bộ NNPTNT cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”. Lãnh đạo Bộ NNPTNT cùng 28 tỉnh, thành duyên hải đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Tín hiệu tích cực
Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), kết quả thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ nhất tháng 5/2018 đã ghi nhận động thái vào cuộc tích cực của Việt Nam. Đặc biệt, thể chế hóa 9 khuyến nghị của EC vào Luật Thủy sản 2017, đáp ứng được các yêu cầu của quốc tế.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải làm mọi cách để gỡ thẻ vàng thủy sản. Ảnh: Dũ Tuấn
"Đối với thiết chế hạ tầng nghề cá, khu neo đậu, tôi chính thức giao Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cùng hai Thứ trưởng rà soát, tổng hợp các kiến nghị của địa phương để cuối tháng 3/2020, lãnh đạo Bộ NNPTNT đủ cơ sở kiến nghị với Chính phủ. Nếu để các tỉnh phàn nàn Bộ NNPTNT không cập nhật kịp thời thì những vị này sẽ chịu trách nhiệm. Hãy tổ chức thực hiện kiên quyết, đừng đi tìm những lý do để ngụy biện, mà hãy dùng trí tuệ, biện pháp khắc phục cho bằng được”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, EC nhận định việc chống khai thác IUU của nhiều tỉnh, thành ven biển của nước ta chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, EC yêu cầu Việt Nam cần hành động cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU.
“Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 - 5/6/2020, đoàn kiểm tra EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 tình hình triển khai công tác khắc phục các khuyến nghị của EC, nhất là công tác chống khai thác IUU. Nếu lần này, Việt Nam không đáp ứng được những khuyến nghị của EC, thì chẳng những EC không thu hồi “thẻ vàng” mà nguy cơ Việt Nam còn bị nhận “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu” - ông Hùng nêu vấn đề.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, địa phương này luôn nhận thức trách nhiệm và triển khai quyết liệt với hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
“Chúng tôi tổ chức trên 70 cuộc họp, chính quyền đến từng xã, kết hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền, yêu cầu chủ tàu cam kết không đánh bắt bất hợp pháp, tất cả đều được lưu lại bằng hồ sơ. Nhờ vậy, việc vi phạm tàu cá trên biển của ngư dân Bình Định đã có dấu hiệu giảm. Ngoài ra, tỉnh cũng trích nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đánh bắt đúng quy định” - ông Châu cho hay.
Khẳng định địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang thừa nhận, còn nhiều vấn đề vướng mắt cần sự phối hợp để cùng nhau tháo gỡ.
“Ở bờ, ngành chức năng quản lý chặt tàu cá ra vào, thực hiện đúng Luật Thủy sản. Việc ngăn chặn tàu khai thác vi phạm lãnh hải nước ngoài cần sự phối hợp với lực lượng chức năng trên biển, thế nhưng còn nhiều bất cập, phối hợp chưa nhịp nhàng. Trong khi đó, tàu cá lắp đặt giám sát hành trình khi đi gần biên giới vùng biển thì tự ý mở thiết bị, gửi cho tàu khác, vấn đề này cấp tỉnh trong bờ không thể vươn ra tới ngoài khơi để xử lý” - ông Thao dẫn chứng.
Làm bằng mọi cách
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sau khi EC cảnh báo thẻ vàng sản phẩm thủy sản xuất vào châu Âu, nước ta đã nỗ lực khắc phục những khuyến nghị của EC và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế những gì đạt được vẫn chưa đủ để EC ra quyết định rút thẻ vàng. Bởi, sau 2 lần kiểm tra, EC đã chỉ ra những lỗi mà thủy sản Việt Nam còn mắc mà không “thể cãi”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, các ngành liên quan, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng loạt các giải pháp trọng tâm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45, Công điện 732, Công điện 1275, Quyết định số 78 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
“Chuẩn bị chu đáo kế hoạch, nội dung để tiếp và làm việc với đoàn kiểm tra EC. Triển khai hiệu quả Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, thực hiện nghiêm việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và triển khai lắp đặt thiết bị hành trình giám sát tàu cá theo đúng lộ trình, đánh dấu, đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản, ghi chép sổ nhật ký báo cáo khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU” - Bộ trưởng Cường yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý thêm, đây là cơ hội gỡ “thẻ vàng” tốt nhất nên cần cố gắng tối đa không để vi phạm tái diễn. Đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam và đi bất kỳ địa phương nào, vì vậy mỗi tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch, kiên quyết tổ chức thực hiện theo quy định. Khi EC đến tỉnh bất kỳ để kiểm tra thì đều hoàn thành tốt nhiệm vụ với mục đích xây dựng nghề cá bền vững.
Theo Bộ trưởng, chính quyền địa phương cần lưu ý trách nhiệm của mình hơn nữa, Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải xắn tay vào cuộc với thông điệp “không viện cớ lý do, phải ra biệp pháp, cơ chế thực hiện tốt công việc bằng mọi cách”. Hiệp hội Nghề cá cũng phải chung tay, tuyên truyền cho người dân, Bộ NNPTNT sẵn sàng kiến nghị với Chính phủ nếu gặp vướng mắc khi thực hiện.
Về lâu dài, các địa phương cần rà soát đánh giá cơ cấu ngành thủy sản theo nguyên lý giảm khai thác, tàu đánh bắt, sản lượng nhưng phải tăng về giá trị. Khai thác vừa phải, đúng đối tượng và tập trung nuôi theo quy hoạch, không để chồng chéo ảnh hưởng đến ngành nghề khác, đáp ứng sinh kế bền vững nhưng văn hóa, thu nhập cao.