Và đó cũng là mục tiêu với sự quyết tâm cao, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "ý Đảng - lòng Dân và lòng Dân - ý Đảng soi sáng" với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Trong những năm qua, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành GTVT với thành quả là diện mạo giao thông đã làm thay đổi nhiều địa phương, dưới "ánh sáng" Đại hội XIII của Đảng, đã từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, "hiện đại hoá đất nước".
Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần đầy quyết tâm cao, tạo động lực lan tỏa từ Quốc hội, Chính phủ tới các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan, dấy lên làn sóng thi đua, phấn đấu hoàn thành, đưa các công trình trọng điểm về đích.
Từ đó, nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam vượt sông hồ, xuyên núi, xuyên rừng, đi qua những vùng đất hoang sơ đã được khánh thành đưa vào khai thác mở ra không gian phát triển, tạo trục "xương sống" phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cao tốc Bắc – Nam mở ra nhiều không gian phát triển đô thị mới cũng như "xung lực" liên kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc tới Nam, làm thay đổi nhiều vùng đất.
Cùng đó, việc đi lại, giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá của người dân, doanh nghiệp đã được rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiệt hại về chi phí logistics... khi mục tiêu hoàn 30.000km cao tốc Bắc - Nam phía Đông trải dài từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố đang ngày ngày được định hình trên đất nước hình chữ S.
Vượt qua khó khăn
Cần phải nhắc lại, sau Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngành GTVT đã xây dựng chương trình hành động, xác định nhiệm vụ chính và đề ra giải pháp khả thi, khắc phục khó khăn phát sinh nhằm hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ.
Kết quả có được nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc theo phương châm "mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành GTVT và cao hơn nữa là với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đúng tiến độ với tinh thần "Tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước", như tinh thần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Trong đó, cần phải ghi nhận những nỗ lực, ủng hộ nhiệt tình từ sự chung sức, đồng lòng, của người dân, doanh nghiệp. Tôn vinh những hộ dân đã nhường đất cho dự án vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày một đổi mới, đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ và trân trọng.
Nhờ vậy, trong bối cảnh nguồn vốn hạn kẹp, nhưng trong nửa nhiệm kỳ qua, cả nước vẫn hoàn thành hơn 600km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước lên 1.700km, trong khi hơn chục năm trước, cả nước chỉ hoàn thành khoảng 1.100km.
Cụ thể, các dự án được đưa vào khai thác trong gần 3 năm qua gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (15km), Cam Lộ - La Sơn (98km), Mai Sơn - quốc lộ 45 (gần 63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), Phan Thiết - Dầu Giây (101km), Nha Trang - Cam Lâm (50km), Vân Đồn - Móng Cái (80km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51km)…
Các dự án cao tốc bắc - nam (giai đoạn I) được đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, nhưng đã hoàn thành đưa vào khai thác "đúng hẹn" là kỳ tích của ngành giao thông, với hành trình vượt qua qua nhiều khó khăn tạo nên "dấu mốc" lịch sử cho ngành GTVT.
Quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công gặp muôn vàn khó khăn khi đại dịch Covid-19 lan rộng, bão giá vật liệu, giá xăng dầu tăng cao, nguồn cung cấp vật liệu cho dự án khan hiếm gây áp lực rất lớn tới tiến độ dự án.
Nhớ lại những thời điểm khó khăn của dự án cao tốc Bắc – Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ từng đi kiểm tra các dự án nhấn mạnh rằng: "Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương và đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc – Nam".
"Thủ tướng Chính phủ, các đồng chỉ Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ GTVT đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra công trường các dự án cao tốc Bắc – Nam. Chính phủ đã ban hành nghị quyết mới để khơi thông nguồn đất đắp cho dự án cao tốc Bắc - Nam, giải quyết "thần tốc" bế tắc về nguồn vật liệu trong thời gian dài", nguyên Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.
Bên cạnh những đột phá của ngành GTVT, cũng không thể tránh khỏi những bất cập khiến dư luận không hài lòng về một số đoạn cao tốc 2 làn.
Đây là những tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, Bộ GTVT và các địa phương đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội chấp thuận đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ 2 làn xe dựa vào nhu cầu và lưu lượng phương tiện chưa lớn.
Việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, giai đoạn 1 bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, với cao tốc hai làn xe nhiều đoạn không có dải phân cách cứng ở giữa; tốc độ khai thác giai đoạn đầu chưa cao,… Điều này tiềm ẩn rủi ro cao cho người tham gia giao thông.
Đầu tư cao tốc 2 làn là "điều cực chẳng đã" với Bộ GTVT và là "bài toán" làm "đau đầu" của Bộ này khi ở giai đoạn trước năm 2020 nguồn vốn ngân sách đầu tư cao tốc hạn hẹp và để huy động nguồn vốn đầu tư theo hình thức BOT càng khó khăn hơn, khi các nhà đầu tư "sợ hãi" vì những rủi ro về thu phí, rủi ro về những "làn sóng" phản đối thu phí...
Điều đáng mừng là ngay từ đầu nhiệm kỳ mới của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nhìn nhận ra bất cập của các tuyến cao tốc 2 làn xe. Từ đó, Bộ GTVT mạnh dạn giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các ban quản lý dự án quyết tâm đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với quy mô 4 – 8 làn xe.
Đặc biệt hơn nữa, Bộ GTVT đã quyết tâm yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát các tuyến cao tốc 2 làn xe để khẩn trương tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng phần kỳ 2 lên 4 – 6 làn xe theo đúng tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 về đường ô tô cao tốc có thiết kế gồm có giải phân cách cứng, không có nút giao đồng mức...
Đây được đánh giá là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm giải quyết bất cập trên cao tốc 2 làn xe thể hiện việc làm cầu thị, lắng nghe dư luận và có trách nhiệm của Bộ GTVT, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công...
Xin nhắc lại, tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022, Quốc hội khóa XV tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía đông (giai đoạn II), cùng hàng loạt cơ chế đặc thù về đầu tư hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn các quy trình thủ tục, cho phép phân cấp, phân quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án,...
Lần đầu tiên, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, trực tiếp do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo, được thành lập để tổ chức lãnh đạo, kết nối công việc, đôn đốc, xử lý dứt điểm các vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh: "Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước đạt 3.000km, yêu cầu đặt ra trong ba năm tới là phải triển khai thêm khoảng 1.300km".
"Qua đó, cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và đặc biệt là nỗ lực không ngừng nghỉ của các Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư, nhà thầu bám sát kế hoạch, từng bước cụ thể hóa mục tiêu trên", Bộ trưởng Thắng khẳng định.
Quả thực, muốn đạt được mục tiêu như lời Tư lệnh ngành GTVT nói ở trên, thì hành trình phát triển hạ tầng giao thông đất nước sẽ khó có thể thực hiện nếu không có sự ủng hộ, thấu hiểu của người dân.
Bộ GTVT đã thắng thắn lắng nghe những ý kiến từ nhân dân, giải thích cho nhân dân, đưa mọi vấn đề của nhân dân để thảo luận và tìm cách giải quyết. Từ đó, những tuyến cao tốc 2 làn xe đang được rốt ráo nghiên cứu đầu tư nâng cấp mở rộng.
Đồng thời, từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước đạt 3.000km, tạo ra "huyết mạch" phát triển kinh tế xã hội từ Bắc tới Nam, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.