Lỗ hổng đầu vào
Vài năm nay, sầu riêng được xem là loại quả xuất khẩu chủ lực có giá trị tỷ USD của Việt Nam. Năm 2024, trong tổng số 7,12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả, sầu riêng đóng góp 3,3 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 2,94 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đưa ra một số quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận.
Quy định này khiến hàng loạt container sầu riêng Việt Nam đến cửa khẩu Trung Quốc buộc phải quay đầu vì không đáp ứng yêu cầu chất lượng. “Sự cố” của mặt hàng xuất khẩu tỷ USD sầu riêng tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý đầu tiên năm 2025.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu rau quả trong quý đầu tiên của năm 2025 chủ yếu là do sầu riêng , mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, vì vướng quy định kiểm định cadimi, chất vàng O.
“Sầu riêng là mặt hàng nông sản mang nhiều tỷ USD về cho Việt Nam. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mạnh nhất. Khi mặt hàng này có vấn đề về chất lượng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng chung cho cả ngành rau quả”, ông Nguyên nói. Ông nhận định, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu rau quả 8 tỷ USD trong năm 2025 không thể đạt được, mà chỉ có thể ở mức 6-6,5 tỷ USD.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, vẫn còn tình trạng các container sầu riêng đến cửa khẩu Trung Quốc phải quay đầu, vì kiểm nghiệm chất lượng không đạt yêu cầu. Điều này xuất phát từ lỗ hổng đầu vào sản phẩm. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết thu mua sầu riêng qua thương lái rồi mang đi kiểm nghiệm một số quả ngẫu nhiên.
Trong khi đó, một lô hàng, thương lái có thể thu mua từ nhiều vườn, vùng trồng khác nhau; có quả ở vườn này đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng quả ở vườn khác không đạt. Vì thế, khi đến cửa khẩu Trung Quốc, hải quan tiến hành kiểm nghiệm rất chặt chẽ các quả sầu riêng ở nhiều vị trí khác nhau trong xe container. Nếu trúng vào quả không đạt chuẩn, cả xe buộc phải quay đầu.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyên cho rằng, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc là kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại các vườn, vùng trồng Việt Nam. Vùng trồng nào có giấy kiểm nghiệm đạt chuẩn chất lượng, không vi phạm chất cấm, không nhiễm chất cadimi, thuốc trừ sâu… mới được hái tiêu thụ, chứ không đợi ra thị trường mới kiểm tra.
“Nếu sản phẩm xuất khẩu vi phạm chất lượng bị trả về thì tiêu hủy luôn, không được bán cho thị trường trong nước. Ở Thái Lan họ làm cái này rất nghiêm túc, lô hàng xuất khẩu nào không đạt là tiêu hủy, còn Việt Nam không xuất khẩu được thì bán cho thị trường trong nước.
Bất kỳ sản phẩm nào phục vụ sức khoẻ con người, ở thị trường nào cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng; không đạt yêu cầu thì không được tiêu thụ. Có làm được như vậy, doanh nghiệp, nhà sản xuất mới sợ, có trách nhiệm để làm nghiêm túc”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói.
Phải “hi sinh” mới thành công
Từ góc nhìn của người trong cuộc, chủ các hợp tác xã, vùng trồng, xuất khẩu cho rằng, để tự tin đưa nông sản, đặc biệt là sầu riêng chinh phục các thị trường khó tính bên ngoài, cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đi sâu vào chất lượng, giá trị sản phẩm.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước cho rằng, với những vùng đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chất độc, cần mạnh dạn “hi sinh” 2-3 năm cải tạo, cày xới để làm sạch (đất); từ đó nâng chất lượng sản phẩm. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào con đường nông nghiệp, ông luôn kiên trì với việc xây dựng vùng trồng hữu cơ.
Ông Hoàng từng dành 3 năm để cải tạo làm sạch vùng đất của mình để có được 50 ha đất sạch đạt chuẩn chất lượng trồng nhiều loại cây khác nhau như sầu riêng , bơ, tiêu, điều, cao su. Các loại quả từ nông trại của ông xuất khẩu chinh phục các thị trường khó tính như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Theo tôi, chúng ta cần đi sâu vào chất lượng, không ào ào chạy theo số lượng. Với tư duy làm nông nghiệp sạch, bền vững, 1 tấn quả của tôi xuất đi có giá trị bằng 10 tấn, thậm chí 20 tấn của bà con nông dân đang canh tác truyền thống, manh mún”, ông nói
Chia sẻ với báo chí về một số vấn đề liên quan đến kết quả tăng trưởng của ngành trong quý 1/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, chiến lược phát triển trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liền với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Tiến, mục tiêu không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà đi sâu nâng cao giá trị gia tăng, cũng như chất lượng sản phẩm. Qua đó, sản phẩm nông sản Việt Nam không những chinh phục được thị trường truyền thống mà còn mở rộng ra các thị trường mới.
Tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, ông Hoàng làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, nâng tầm nông sản Việt Nam. Ông đang áp dụng “Nhật ký số trong sản xuất” cho bà con nông dân địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Queen Farm (Bình Phước) do ông Nguyễn Thế Tùng làm tổng giám đốc là 1 trong 4 vùng trồng có quy mô ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP).
Với chứng nhận này, dù các quốc gia trên thế giới và Trung Quốc xây dựng hàng rào kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm thì những quả sầu riêng từ vùng trồng của ông Tùng vẫn tự tin.
Từng có 7 năm du học ở Anh, khi về Bình Phước khởi nghiệp với cây sầu riêng , ông Tùng mang theo tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp bằng con đường công nghiệp hóa nông nghiệp.
Trang trại nông lâm nghiệp này được xây dựng theo hướng chuyên canh sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Nhờ vậy mà trang trại 55 ha của ông Tùng chỉ cần 13 công nhân vận hành bao gồm cả quản lý và kỹ thuật chăm sóc cây.
“Ban đầu, Queen Farm đối mặt với thách thức cải tạo 55 ha đất nghèo dinh dưỡng tại thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Chúng tôi nâng độ pH đất bằng phương pháp cày xới, phơi đất, rải vôi, đồng thời bảo vệ độ ẩm bằng hệ thực vật tự nhiên.
Để tối ưu tưới tiêu, Queen Farm đầu tư hệ thống công nghệ Israel với 75km đường ống và hai hồ trữ nước lớn, trong đó có một hồ rộng 1,2 ha đảm bảo nước tưới suốt 6 tháng mùa khô mà không khai thác mạch ngầm. Đây là minh chứng cho niềm tin rằng, với quyết tâm và tình yêu thiên nhiên, mọi vùng đất đều có thể hồi sinh”, ông Tùng kể.
Sau khi hồi sinh vùng đất, Queen Farm bước vào giai đoạn kiến tạo với công nghệ hiện đại làm chủ đạo. Bản đồ số cây trồng giúp quản lý chi tiết từng cây từ vị trí, sinh trưởng đến dự đoán năng suất. Hệ thống IoT theo dõi thời gian thực các chỉ số đất, nhiệt độ, độ ẩm, đảm bảo điều kiện lý tưởng. Trí tuệ nhân tạo AI phân tích dữ liệu, tối ưu quy trình canh tác, cảnh báo sớm rủi ro sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng.
“Với gần 18.000 cây giống như Dona, Musang King , Ri6 và các cây lâm nghiệp như Sao Đen, Sưa Đỏ, trang trại áp dụng mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững và tuần hoàn hữu cơ. Sau thời gian chăm sóc tận tâm, những trái sầu riêng Dona, Musang King, Ri6 tại Queen Farm đạt chuẩn GlobalGAP với chất lượng vượt trội. 70% sản lượng xuất khẩu chính ngạch, 30% phục vụ thị trường nội địa theo cam kết Ngon, Sạch, Bền Vững. Thu hoạch không chỉ khép lại một chu kỳ mà còn khẳng định Queen Farm là biểu tượng của nông nghiệp thông minh, góp phần nâng tầm nông sản Việt trên bản đồ thế giới”, ông Tùng chia sẻ.