Tờ Washington Post mở đầu bài viết nói rằng, Mark Zuckerberg có lẽ sẽ ước anh ấy đang du ngoạn trong một con tàu cánh ngầm ở Hawaii vào thứ tư tuần này thay vì có mặt ở buổi họp báo cáo kết quả kinh doanh quý hai của Meta Platforms Inc.
Các nhà phân tích đã phải thu hẹp các dự báo của họ đối với gã khổng lồ xã hội và những bình luận mang tính dự báo của chính Zuckerberg cho nhân viên cũng cho thấy những con số được tiết lộ trong buổi họp này sẽ không tốt. Mark cũng sẽ phải đối mặt với thực tế về mục đích không rõ ràng của WhatsApp - khoản đầu tư lớn nhất của Mark cho đến nay.
Chưa kể đến việc, còn có rất nhiều thách thức đang diễn ra trên khắp tập đoàn của Zuckerberg. Instagram đang sa lầy trong việc cố gắng sao chép TikTok. Những người trẻ tuổi không muốn sử dụng Facebook, khiến tốc độ tăng trưởng tổng thể của mạng xã hội này đã chậm lại và Apple thì đang chặn các nhà quảng cáo trên ứng dụng của Facebook nhắm mục tiêu đến mọi người.
Nhưng, đáng lo ngại nhất có lẽ là WhatsApp. Ứng dụng với biểu tượng màu xanh lá cây chưa bao giờ thực sự trở nên phổ biến ở Mỹ nhưng lại là dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất đối với hầu hết phần còn lại của thế giới. Có khoảng 2 tỷ người dùng WhatsApp, nhưng trong vũ trụ của Zuckerberg, đó là một mưu đồ phòng thủ hơn là một cỗ máy sản xuất tiền như Instagram.
Sự tương phản không thể rõ ràng hơn: Zuckerberg đã mua Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012 và ứng dụng này đã đóng góp 20 tỷ USD vào doanh thu của Facebook chỉ trong năm 2019. Mark đã mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD vào năm 2014 và nó đã đóng góp được phần doanh thu rất nhỏ bé so với Instagram.
Điều đáng ngạc nhiên là 8 năm sau khi Zuckerberg thực hiện việc mua lại, anh vẫn chưa biến WhatsApp thành một hoạt động kinh doanh khả thi. Được thành lập vào năm 2009, WhatApp ban đầu chỉ kiếm tiền từ mức phí đăng ký sử dụng hàng năm 99 xu do những người sáng lập của công ty coi thường mảng quảng cáo. Sau khi bán mình, cả hai bên cuối cùng cũng không thông qua việc Meta cố gắng kiếm tiền từ ứng dụng này bằng quảng cáo. Nhưng đến năm 2020, Meta đã từ bỏ ý tưởng đó và cho biết họ sẽ thử tính phí các doanh nghiệp tương tác với khách hàng trên ứng dụng.
Trong một thời gian, có vẻ như WhatsApp có thể thực sự trở thành trung tâm trong tương lai của Facebook với tư cách là một doanh nghiệp. Vào tháng 3/2021, Zuckerberg công bố "tầm nhìn tập trung vào quyền riêng tư cho mạng xã hội" và dự đoán một tương lai nơi truyền thông sẽ chuyển sang các dịch vụ tư nhân như WhatsApp.
Nhưng bảy tháng sau, tầm nhìn của Zuckerberg đã thay đổi. Anh tuyên bố rằng tương lai của Internet nằm trong thế giới của metaverse, đại diện cho "chương tiếp theo" của Meta. Ngoài thông báo về việc ra mắt dịch vụ trò chuyện khách hàng mới trên WhatsApp vào tháng 5, Zuckerberg đã nói rất ít về ứng dụng nhắn tin này kể từ đó.
Vị trí của WhatsApp trong hệ thống phân cấp Meta rõ ràng không ổn định, lúc lên, lúc xuống. Và giờ đây, với việc Zuckerberg quyết tâm xoay trục sang thực tế ảo, giá trị thực của ứng dụng có thể đến từ một thứ khó hiểu hơn là kiếm tiền như một công việc kinh doanh khả thi. Đây có thể sẽ là sự hy sinh mà Zuckerberg cần để chống lại các cơ quan quản lý chống độc quyền.
Meta dường như không thể kiếm tiền từ bất kỳ thứ gì khác ngoài quảng cáo trực tuyến truyền thống.
Điều đó có thể giải thích cho việc Zuckerberg thiếu động lực để biến WhatsApp trở thành mối quan tâm thường xuyên. Vấn đề là việc kiếm tiền từ ứng dụng nhắn tin chưa bao giờ quá khó. Ví dụ thế này, WeChat của Tencent Holdings Ltd. - một đối thủ cạnh tranh về nhắn tin ở Trung Quốc - đã tạo ra hơn 500 triệu USD chỉ riêng trong tháng 6/2022, theo ước tính của công ty tình báo thị trường Sensor Tower. Số tiền này phần lớn từ thanh toán, quảng cáo và hoạt động như một cổng vào trò chơi .
Vấn đề là động cơ chính của Zuckerberg khi mua WhatsApp ngay từ đầu là để tiêu diệt ứng dụng này bởi nó là một mối đe dọa cạnh tranh của Facebook. Các giám đốc điều hành của Facebook thậm chí còn băn khoăn về việc WhatsApp có thể đe dọa hoạt động kinh doanh của Facebook hay không sau khi nó được công ty mua lại. Điều đó hầu như không giống như một công ty mẹ có tầm nhìn lớn cho công ty con của mình.
Giờ đây, để đối phó với nỗ lực của Cơ quan chống độc quyền Mỹ (FTC) nhằm buộc công ty phải thoái vốn cả WhatsApp và Instagram như một phần của vụ kiện chống lại công ty, các luật sư của Meta có thể thúc đẩy một giải pháp bao gồm chỉ thoái vốn ở 1 công ty. Nếu đúng như vậy, bạn có thể đoán được Zuckerberg muốn rút khỏi công ty nào hơn rồi đó!
Việc bán WhatsApp có thể mang lại kết quả như thế nào trong thực tế? Không có doanh thu đáng kể, một đợt IPO sẽ là điều không cần bàn cãi. Meta có thể bán công ty cho một tập đoàn cổ phần tư nhân hoặc một doanh nghiệp như Microsoft - công ty đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua một doanh nghiệp nhắn tin trước đây. Nếu đợt IPO cuối cùng của Softbank đối với Arm Holdings thành công và Masayoshi Son quyết định chuyển trọng tâm của riêng mình từ trí tuệ nhân tạo và Internet of Things sang lĩnh vực nhắn tin, ông ấy cũng có thể là một người mua tiềm năng.
Nhưng một kết thúc như vậy với WhatsApp sẽ làm nổi bật một sự thật đáng lo ngại cho các nhà đầu tư của Meta: Công ty dường như không thể kiếm tiền từ bất kỳ thứ gì khác ngoài quảng cáo trực tuyến truyền thống.
Quảng cáo kỹ thuật số chiếm khoảng 98% doanh thu của Meta. Meta - giống như Google của Alphabet - gắn bó với công việc kinh doanh quảng cáo. Trong khi Microsoft và Amazon đã cố gắng đa dạng hóa sang lĩnh vực điện toán đám mây và trò chơi, Meta đã không làm được điều tương tự với tiền điện tử, thương mại điện tử và tất nhiên, cả nhắn tin.
Có thể metaverse sẽ khác và Zuckerberg sẽ tìm cách chuyển hoạt động kinh doanh quảng cáo đang ăn nên làm ra của mình sang thực tế ảo. Nhưng sự thay đổi đáng kể về giá trị của WhatsApp từ hoạt động kinh doanh tiềm năng sang con tốt thí nhằm đối phó với các quy định pháp luật của Meta đã nhấn mạnh tầm nhìn đó còn nhiều bất ổn.