Mới đây, "ông chủ" của LVMH cho biết chính phủ Pháp đã yêu cầu họ trì hoãn thương vụ này vì những lý do liên quan đến mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Pháp. Tiffany cho biết LVMH đang cố tận dụng những cuộc biểu tình chống lại cảnh sát và đại dịch Covid-19 để hạ mức giá của thương vụ này.
CFO của LVMH - Jean-Jacques Guiony, cho biết trong một cuộc họp từ xa: "Đây là yêu cầu từ phía chính phủ và chúng tôi không còn lựa chọn nào khác." Ông cũng nói thêm rằng các cố vấn đã nói với công ty rằng chính phủ có quyền yêu cầu họ trì hoãn thương vụ này.
Sau khi thông tin này xuất hiện trên khắp các mặt báo, cổ phiếu Tiffany mất tới 11% trên sàn New York, trong khi LVMH hầu như không có biến động.
Phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal cho biết trong cuộc họp Nội các hôm 9/9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ thảo luận về một lá thứ mà ông đã viết, có nội dung liên quan đến thương vụ giữa LVMH và Tiffany trong những giờ sau đó.
Thương vụ này vốn được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái, nhưng lại gặp cản trở sau khi hoạt động kinh doanh phải ngừng lại do dịch Covid-19 lây lan, ngành hàng xa xỉ theo đó cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, việc thâu tóm Tiffany được coi là một cách để "ông trùm đồ xa xỉ" Bernard Arnault tăng cường mức độ phủ sóng của LVMH tại Mỹ, bằng cách sở hữu 1 thương hiệu mang tính biểu tượng.
Việc rút khỏi thỏa thuận mua lại này sẽ là một bước lùi hiếm hoi đối với tỷ phú Arnault, bởi ông đã xây dựng đế chế của mình thông qua một loạt thương vụ mua lại, sở hữu những thương hiệu xa xỉ bậc nhất từ Dior cho đến Dom Perignon Champagne. Tiffany là một cơ hội hiếm có đối với LVMH để họ có được 1 thương hiệu lớn trên thị trường trang sức.
Trong quý kết thúc vào ngày 31/7, doanh thu ròng toàn cầu của Tiffany đã giảm 29%, trong khi quý trước đó giảm 45%. Sự bất ổn trên thị trường hàng xa xỉ kể từ khi dịch bệnh bùng phát là nguyên nhân khiến nhiều ý kiến cho rằng LVMH muốn thực hiện thương vụ với mức giá thấp hơn.
Cổ phiếu Tiffany từ thời điểm LVMH xác nhận thương vụ thâu tóm cho đến nay.
Keith Temperton – trader tại Forte Securities, nhận định: "Đó là một ‘lối thoát’ tuyệt vời đối với LVMH. Họ đã trả khoản tiền cao nhất thị trường cho Tiffany trước khi đại dịch lây lan. Không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến họ đang rút lui."
Tháng trước, hãng trang sức của Mỹ đã gia hạn thời gian cho thỏa thuận thêm 3 tháng, đến ngày 24/11 và LVMH cho biết họ sẽ bảo lưu quyền đưa ra ngày kết thúc thỏa thuận mới.
LVMH tiết lộ lý do yêu cầu từ phía chính phủ Pháp, yêu cầu tập đoàn này hoãn thực hiện thương vụ sau ngày 6/1/2021, bởi Mỹ đã áp thuế đối với hàng hóa từ Pháp. Hồi tháng 7, Mỹ công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa của Pháp, bao gồm đồ trang điểm, xà phòng, túi xách.
Hơn nữa, Guiony cũng chỉ ra hoạt động yếu kém của Tiffany trong thời điểm gần đây và đặt câu hỏi tại sao hãng trang sức vẫn tiếp tục trả cổ tức trong cuộc khủng hoảng Covid-19. CFO của LVMH cho hay: "Chúng tôi không hề hài lòng với cách quản lý và hoạt động của công ty trong vài tháng qua."
Trong khi đó, phía Tiffany cho biết yêu cầu của chính phủ đối với LVMH về việc trì hoãn ngày chốt thỏa thuận không hề dựa theo luật pháp của Pháp. Tiffany cho biết trong đơn kiện nộp tại Delaware: "LVMH đã nói rõ mục tiêu thực sự của họ là cố gắng thương lượng lại mức giá mà 2 bên đã đồng ý vào tháng 11 năm ngoái và thỏa thuận lại trước khi thời hạn kết thúc."
Năm ngoái, 1 tháng trước khi công bố thỏa thuận giữa LVMH và Tiffany, tỷ phú Arnault đã đến Texas cùng Tổng thống Donald Trump cắt băng khánh thành nhà mới Louis Vuitton. Đây là một phần trong kế hoạch của vị tỷ phú nhằm ứng phó với căng thẳng thương mại.
Sau khi đạt được thỏa thuận với Tiffany, Arnault đã miêu tả đây là một "thương hiệu mang tính biểu tượng của nước Mỹ, với lịch sử tuyệt vời" và cho biết thương vụ này sẽ thúc đẩy triển vọng của hãng ở châu Âu và Trung Quốc.
Một nhà phân tích của Mizuho Financial Group Inc. Ước tính rằng cổ phiếu Tiffany có thể giảm xuống mức 89,32 USD, nếu không thực hiện được thỏa thuận với LVMH, tức là thấp hơn 27% so với mức giá đóng cửa hôm 8/9.
Tham khảo Bloomberg