Công ty Cổ phần Asanzo được thành lập vào cuối năm 2013 với nhà máy ban đầu có trị giá 20 triệu USD được xây dựng tại Tp.HCM. Từ doanh nghiệp với vốn điều lệ ít ỏi ban đầu, Asanzo đã vươn lên trở thành đế chế ngàn tỷ trong ngành điện tử Việt.
Công ty có tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Asan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Cổ đông sáng lập là ông Phạm Văn Tam (nắm 90% vốn), Công ty TNHH Truyền thông Asanzo (2%), Công ty Điện tử Asanzo Việt Nam (2%), Phạm Xuân Tình (2%), Phạm Văn Toán (2%) và Phạm Thị The (2%). Tuy nhiên, đến nay ông Phạm Văn Tam chỉ còn nắm 1% cổ phần tập đoàn này và người đại diện pháp luật của chuyển sang ông Phạm Xuân Tình.
Từ một doanh nghiệp sản xuất tivi, sau 5 năm, Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.
Với chiến lược giá rẻ và tiếp cận thị trường nông thôn, Asanzo đã có bước tiến mạnh mẽ và gây kinh ngạc tại thị trường trong nước. Năm 2015 Asanzo doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, năm 2016 đạt 2.500 tỷ đồng với 500.000 chiếc tivi được tiêu thụ.
Đến năm 2017, Asanzo đã nâng doanh thu lên 4.600 tỷ đồng. Đây là con số rất ấn tượng nếu so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành TV, điện tử, vốn bị đánh giá là đã rơi vào trạng thái bão hòa.
Năm 2018, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra. Riêng dòng sản phẩm chủ lực là tivi, Asanzo chiếm tới 15% thị phần tivi Việt.
Cùng với sự phát triển nóng, Asanzo cũng vướng không ít những bê bối. Mới đây nhất, Asanzo đã vướng vào nghi án phù phép hàng Trung Quốc thành hàng Việt. Hiện một số nhà bán lẻ đã gỡ các hàng hoá của Asanzo ra khỏi danh mục hàng hoá. Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cũng tước danh hiệu với Asanzo.
Dù là một thương hiệu non trẻ nhưng Asanzo vướng khá tai tiếng trong quá khứ.
Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano đã khởi kiện Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu, yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng.
Theo đơn khởi kiện, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano, hình số 107919 cho các nhóm hàng hóa về máy giặt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, tủ lanh, điều hòa, nồi cơm điện…
Đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường có Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ.
Bản án sơ thẩm của TAND Tp.HCM năm 2018 đã tuyên buộc Công ty Asanzo chấm dứt hành vi xâm phạm, xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo, hình đã dán trên các sản phẩm và buộc công ty này phải bồi thường số tiền 100 triệu đồng cho Công ty Đông Phương.
Sau đó, hai bên tiếp tục kháng cáo, đầu năm 2019 qua Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khẳng định, dấu hiệu Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, công ty này còn có nhiều sai phạm về thuế. Ngày 16/1/2017, Chi cục Thuế Bình Tân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với hàng loạt vi phạm như: Vi phạm thủ tục về thuế; Khai sai dẫn tới thiếu số tiền nộp thuế; Chậm nộp thuế; Truy thu thuế…với tổng số tiền lên tới hơn 250 triệu đồng.
Ngày 7/3/2017, Chi Cục Thuế Bình Tân tiếp tục ra quyết định xử phạt thêm doanh nghiệp này vì vi phạm hành chính về hóa đơn với số tiền là 6 triệu đồng do đã vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng.