Theo tờ Telegraph, có rất nhiều lý do để Elon Musk mua lại Twitter, thế nhưng đi kèm với đó là cả những mặt trái và một trong số đó là Tesla. Việc giành quyền kiểm soát mạng xã hội mới sẽ bòn rút thời gian, công sức và tiền bạc của nhà sáng lập Tesla trong bối cảnh hãng xe điện này cần nhiều sự trợ giúp do gặp quá nhiều thách thức lẫn cơ hội.
Ngành xe điện của Tesla đang gặp nhiều thách thức về vấn đề chip, ắc quy, nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động hay đứt gãy chuỗi cung ứng hậu dịch Covid-19 cũng như do xung đột Ukraine. Đó là chưa kể cơ hội cũng đang đến với ngành ô tô điện khi giá dầu đắt đỏ. Thế nhưng trong bối cảnh rối ren đó, Elon Musk lại hướng nguồn lực sang dự án mới là Twitter.
Việc mua lại Twitter rõ ràng sẽ đem lại tiếng vang cho hình ảnh của nhà sáng lập Tesla, vậy nhưng chúng cũng khiến các chính trị gia và công chúng tập trung vào Musk hơn. Mọi động thái của ông cùng các dự án như Tesla sẽ bị theo dõi chặt chẽ hơn khi sức ảnh hưởng của tỷ phú này ngày một lớn, và điều này là không thực sự cần thiết cho hãng xe điện của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Musk chuyển sự chú ý sang Twitter cũng sẽ khiến nhiều đối thủ đánh hơi được cơ hội, từ Ford, Volkswagen cho đến cả Apple cũng sẽ không từ chối khả năng tiếp cận thị trường xe điện béo bở này.
Mất người lãnh đạo
Việc Elon Musk từ chối một ghế trong hội đồng quản trị cho thấy tham vọng mua lại toàn bộ Twitter của nhà sáng lập này. Suy cho cùng thì việc sở hữu chỉ 9% cổ phần Twitter chẳng đem lại nhiều lợi ích gì và Elon Musk thì không phải dạng cổ đông thụ động chấp nhận để người khác bài trí.
Trong thời gian tới, chắc chắn một cuộc chiến nảy lửa sẽ diễn ra với 1 bên là Elon Musk tuyên bố sẽ bảo vệ tự do ngôn luận, còn 1 bên là CEO Parag Agrawal của Twitter cho biết sẽ chống lại sự xâm chiếm từ bên ngoài.
Với mọi người thì đây sẽ là câu chuyện thú vị, thế nhưng lại chẳng là tin vui với Tesla. Việc xâm chiếm quyền kiểm soát Twitter sẽ cần rất nhiều nguồn lực và sự tập trung của Elon Musk bởi mạng xã hội này không dễ dàng từ bỏ chống lại. Để chiến thắng thì Musk sẽ phải dùng vài tháng tới cho hàng loạt những cuộc họp với các ngân hàng, luật sư, đội ngũ marketing... để đánh bại các cổ đông của Twitter.
Bởi vậy cuộc chiến này không những chỉ đắt đỏ, dù cái giá để mua Twitter là hơn 40 tỷ USD chẳng là gì so với khối tài sản 240 tỷ USD của Elon Musk, mà còn sẽ tốn rất nhiều thời gian lẫn công sức.
Tờ Telegraph nhận định trong bối cảnh giá dầu cao khiến ngành xe điện có cơ hội bùng nổ thì nhà sáng lập Tesla lại quay sự chú ý của mình sang một mảng hoàn toàn khác, vốn chẳng đem lại nhiều lợi nhuận ngoài danh tiếng.
Xin được nhắc là Twitter có số người tương tác hàng ngày chỉ bằng 1/11 so với Facebook và doanh thu quảng cáo quý I/2022 chỉ bằng 1/5 so với Youtube. Thứ khiến Twitter thu hút sự chú ý của Musk là danh tiếng khi nhà sáng lập này liên tiếp tạo nên các "drama" qua những dòng đăng status.
Rõ ràng, lợi ích kinh tế của Twitter không thể bằng Tesla, nhưng hãng xe điện sẽ phải chịu cảnh thiếu vắng người cầm lái trong ít nhất vài tháng và chắc chắn họ sẽ phải chịu thiệt vì quyết định này.
Vạ lây
Trái với nhiều mạng xã hội khác, Twitter được đánh giá là nền tảng có nhiều người dùng "điên rồ" vì sự khốc liệt của nó. Nếu Facebook chủ trương hướng đến kết nối bạn bè, gia đình còn Snapchat là để thanh thiếu niên tán tỉnh nhau. WhatsApp là để nhắn tin với người thân thì Twitter lại là nơi để các chính trị gia và người nổi tiếng tranh cãi.
Không có gì khó hiểu khi Twitter là nền tảng ưa thích của Cựu Tổng thống Donald Trump cho việc tạo sự ảnh hưởng hay lan truyền tin tức trước, trong và sau nhiệm kỳ cho đến khi bị khóa tài khoản. Vô số các chính trị gia, đảng phái hay người nổi tiếng cũng lên đây bày tỏ quan điểm, chỉ trích, giễu cợt và nói xấu lẫn nhau.
Tất nhiên là Elon Musk có thể sẽ thay đổi mọi thứ nếu kiểm soát được Twitter, nhưng chắc chắn rằng những người căm ghét nhà sáng lập này, hay bị ảnh hưởng lợi ích sẽ hướng mũi dùi chỉ trích vào ông cũng như hãng Tesla.
Bạn không tin ư? Khi Elon Musk khiến nhiều chính trị gia và người nổi tiếng nóng mặt trên Twitter, họ sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về Tesla.
Liệu sản phẩm của hãng có thật sự bảo vệ môi trường, có sạch như lời đồn hay không?
Nguyên liệu sản xuất xe của hãng có không gây ô nhiễm môi trường không?
Liệu Tesla có xứng nhận mọi nguồn hỗ trợ từ chính phủ trong ngành xe điện không, hay để cả những hãng khác tham gia nhằm tránh độc quyền?
Liệu nhà máy sản xuất mới của hãng tại Berlin có nên được chính phủ thông qua?
Hàng loạt những câu hỏi xung quanh Tesla sẽ được vạch ra và tranh luận ở mức độ chưa từng có trước đây nếu Elon Musk làm chủ Twitter.
Cơ hội cho đối thủ
Tờ Telegraph đánh giá thị trường xe điện hiện nay vẫn còn nhiều chỗ trống dù Tesla là người đi tiên phong, tạo dựng được thương hiệu cũng như có doanh số cao nhất. Hiện nay cuộc chiến ngành ô tô điện đang ngày một nóng lên khi nhiều đối thủ gia nhập. Ford đã âm thầm phát triển các công nghệ và một số mẫu thử trong khi Volkswagen đã đầu tư hàng tỷ USD cho nhà máy sản xuất ắc quy ô tô.
Thậm chí đến cả hãng sản xuất iPhone như Apple cũng thử sức với mảng xe điện và một sản phẩm mang tên i-Car có lẽ sẽ chẳng kém hấp dẫn chút nào so với Tesla, nhất là khi ông chủ Elon Musk hướng sự quan tâm của mình qua lĩnh vực khác.
Đúng là các tỷ phú thường mở rộng hướng đầu tư, nhưng chỉ là khi nền tảng chính của họ đã được củng cố tốt. Tỷ phú Jeff Bezos đã mua lại tờ Washington Post trong khi nhiều đội bóng ngoại hạng Anh cũng được thâu tóm bởi các tỷ phú. Vậy nhưng nền tảng chính Amazon của Bezos hay những mảng kinh doanh chính của các ông trùm thâu tóm bóng đá Ngoại hạng Anh đều đang hoạt động ổn định.
Trái lại, Tesla đang đứng trước nhiều nguy cơ lẫn thách thức và cần người lãnh đạo hơn bao giờ hết. Bởi vậy The Telegraph nhận định rằng Twitter có thể là dấu chấm hết cho những ngày huy hoàng của hãng xe điện này.
*Nguồn: Telegraph