Ava Grand là sinh viên đang theo học ngành thời trang. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ cũng là lúc cô bắt đầu đặt mua quần áo siêu rẻ trên Shein, hãng thời trang online đình đám của Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi nhận những chiếc quần áo được gói trong quá nhiều túi nilon, cô lại cảm thấy tội lỗi. Vì thế Grand đã tái chế những chiếc túi này thành những món đồ hữu ích và đăng đoạn video ngắn tóm tắt quá trình tái chế đó lên TikTok. Đoạn video thu hút tới hàng triệu lượt xem và nhận được vô số bình luận tích cực. Cuối cùng Grand còn làm được cả một bộ sưu tập thời trang từ những chiếc túi nilon gói hàng của Shein.
Grand chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ đang lên tiếng về những tác động mà Shein gây ra cho môi trường. Ra đời năm 2008, trong vài năm trở lại đây Shein đã trở thành cái tên rất được Gen Z ưa chuộng vì mức giá rẻ đến giật mình và mẫu mã liên tục cập nhật theo xu hướng thời thượng.
Mỗi ngày hãng cập nhật hàng nghìn sản phẩm mới, ví dụ như set gồm áo crop-top và váy ngắn "giống kiểu Kim Kardashian" nhưng có giá chỉ 2,9 USD – tức chưa bằng giá 1 gallon sữa. Học theo mô hình thời trang nhanh của Zara nhưng khuếch đại lên nhiều lần, vừa qua Shein đã đạt được cột mốc giá trị vốn hóa vượt 100 tỷ USD, cao hơn cả H&M và Zara cộng lại.
Mạng xã hội góp phần không nhỏ tạo nên thành công của Shein khi hãng là một trong những thương hiệu xuất hiện nhiều nhất trong các video siêu ngắn trên TikTok và YouTube. Tổng cộng các video được gắn nhãn "Shein Haul" trên nền tảng TikTok đã thu hút được 5,7 tỷ lượt xem và con số vẫn đang tăng lên.
Một sản phẩm trong bộ sưu tập của Grand. Ảnh: ALE BASALO
Shein vẫn đang phát triển rực rỡ, nhưng có 1 "cơn gió ngược" đang dần nổi lên: một bộ phận người trẻ phản đối mô hình kinh doanh của Shein nói riêng và thời trang nhanh nói chung. Trên nhiều tờ báo nội bộ của các trường trung học và đại học, trong các quán café và cả trên mạng xã hội, làn sóng chống lại Shein và ủng hộ phát triển bền vững ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý. Và vì Shein là 1 công ty rất kín tiếng nên người ta càng đặt dấu hỏi lớn về những tác động mà công ty này gây ra cho môi trường.
Hồi tháng 4, Drew Afualo, người có hơn 7 triệu người theo dõi trên TikTok, bị chính fan của mình chỉ trích nặng nề sau khi đăng 1 video được Shein tài trợ. Đã có 1 cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra giữa 1 bên là những người yêu môi trường và ủng hộ phát triển bền vững với bên còn lại là những người yêu thích Shein vì mức giá rẻ và sản phẩm phong phú.
Thậm chí 1 cửa hàng Shein ở Toulouse (Pháp) đã bị người biểu tình phản đối thời trang nhanh bao vây và đập phá.
Trước tình hình này, Shein cũng đã triển khai một số chương trình để cải thiện hình ảnh. Mới đây hãng vừa công bố ra mắt quỹ Extended Producer Responsibility Fund trị giá 50 triệu USD với mục tiêu giải quyết vấn đề rác thải dệt may. Shein còn hợp tác với The Or Foundation, 1 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường và giáo dục.
Năm ngoái, Shein chiêu mộ Adam Whinston làm giám đốc phụ trách ESG. Trả lời phỏng vấn của Sourcing Journal hồi đầu năm nay, Whinston cho biết Shein nhận thức được đối với nhóm khách hàng 18-25 tuổi mà hãng hướng tới thì kinh doanh bền vững là yếu tố đặc biệt quan trọng. Do đó Shein đang phát triển nhiều chương trình để giải quyết những lo ngại của khách hàng.
Hiện vẫn chưa rõ những lo ngại về môi trường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Shein. Có làn sóng phản đối Shein trên mạng xã hội, nhưng không rõ làn sóng này có ảnh hưởng đến những khách hàng trung thành hay không.
Grand cho biết cô thường xuyên nhận được nilon gói hàng từ các khách hàng trung thành của Shein. Cô vẫn liên lạc với Shein để tìm kiếm khả năng hợp tác nhằm mở rộng dự án tái chế túi đựng hàng Shein trên các kênh LinkedIn, Instagram và TikTok.
Tham khảo Wall Street Journal