Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét lại năng lực của chủ đầu tư khi xem xét đề xuất dự án đầu tư khác.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thành phố yêu cầu chủ đầu tư các dự án chung cư trên địa bàn cần xử lý dứt điểm những khiếu nại của cư dân.
Cư dân tại Trung tâm thương mại văn phòng và căn hộ cao cấp Capital Garden ở ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội căng băng rôn bày tỏ bức xúc với chủ đầu tư tại dự án. |
Cụ thể, UBND TP yêu cầu, khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại của người dân đối với chủ đầu tư dự án hoặc đơn vị quản lý vận hành, các đơn vị phải đối thoại, khẩn trương và chủ động giải quyết dứt điểm, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết thì UBND thành phố sẽ xem xét lại năng lực của chủ đầu tư khi xem xét đề xuất dự án đầu tư khác.
Đồng thời Hà Nội cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần khẩn trương sửa chữa các tòa nhà, căn hộ, khu sinh hoạt công cộng, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, phòng cháy chữa cháy, thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp, bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân làm nơi sinh hoạt, hội họp. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo quy định.
Cư dân chung cư Hei Tower xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về các vấn đề an toàn PCCC, quỹ bảo trì… |
Trên thực tế, từ đầu năm 2017, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội kể cả ở những tòa nhà giá rẻ cho đến cao cấp. Các vấn đề tranh chấp gần đây cũng không chỉ xoay quanh các nội dung thông thường như bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, làm sổ đỏ… mà còn nảy sinh những vấn đề mới như lựa chọn đơn vị quản lý...
Mới đây, cả trăm cư dân, khách hàng mua nhà tại các dự án 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh của Kinh Đô TCI Group tập trung tố chủ đầu tư sai phạm, không tuân thủ đúng hợp đồng đã ký.
Khách hàng mua căn hội tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội do Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (thành viên của Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô - Kinh Đô TCI Group) làm chủ đầu tư bức xúc muốn tập trung làm rõ việc chậm tiến độ của dự án. Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề về thay đổi thiết kế bất lợi cho khách hàng, như bỏ 4 tầng cây xanh như quảng cáo ban đầu để phân chia thành căn hộ bán hoặc cho thuê; bỏ hạng mục cầu nối giữa hai tháp A và B như quảng cáo ban đầu; thi công chậm tiến độ nhiều tháng nhưng khách hàng không nhận được thông báo; diện tích nhiều căn hộ bị tăng từ 2 - 25m2; gửi thông báo ép khách hàng đóng tiền, nhận nhà khi công trường vẫn thi công ngổn ngang…
Trong khi đó, cư dân tại Trung tâm thương mại văn phòng và căn hộ cao cấp Capital Garden ở ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội tiếp tục căng băng rôn phản ứng chủ đầu tư về việc chưa được chứng nhận về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã bàn giao cho người dân vào ở.
Dù chưa bàn giao nhưng căng thẳng giữa khách hàng và chủ đầu tư tại dự án An Bình City kéo dài đến nửa năm nay liên quan đến cách tính diện tích căn hộ. |
Hay tại chung cư Hei Tower do liên doanh Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư, vừa qua cư dân cũng xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về các vấn đề an toàn PCCC tại tòa nhà.
Ngoài ra, các cư dân tại đây cũng cho rằng mặc dù chung cư đã có ban quản trị nhưng không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư liên tục chây ì bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà, không bàn giao khu vực cộng đồng cho cư dân. Những mâu thuẫn đã diễn ra trong thời gian dài liên quan trong đó cư dân tại đây bày tỏ lo lắng, việc chủ đầu tư tiếp tục để Trill Group hoạt động tại tầng mái tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với cư dân, thang máy tiếp tục sử dụng với tần suất nhiều hơn so với thiết kế sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề vẫn dừng lại ở những văn bản qua lại giữa Ban quản trị và chủ đầu tư, chưa được giải quyết dứt điểm.
Còn tại dự án An Bình City do Tập đoàn Geleximco làm chủ đàu tư dù chưa bàn giao nhưng căng thẳng giữa khách hàng và chủ đầu tư kéo dài đến cả nửa năm nay liên quan đến cách tính diện tích căn hộ. Theo phản ánh của nhiều khách hàng mua nhà tại dự án An Bình City, diện tích thông thủy của các căn hộ đều bị thiếu từ 1,5-4m2 so với hợp đồng mua bán. Điều đáng nói không phải một vài trường hợp mà số căn hộ thiếu hụt diện tích lên tới hơn 2700 căn với khoảng 5600m2. Chủ đầu tư đã lên tiếng thừa nhận sai sót, đưa ra phương án hoàn tiền tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn chưa đồng ý với cách tính diện tích thông thủy của chủ đầu tư. Nhiều đơn kiến nghị của khách hàng tiếp tục gửi đến chủ đầu tư yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề tại dự án trong đó khách hàng cho rằng, việc chênh lệch về diện tích căn hộ doanh nghiệp có thể đút túi hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, do tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng, Thủ tướng cho rằng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư. Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các vụ khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án. Tuy nhiên, đến nay các thông tin liên quan đến báo cáo này vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư vẫn căng thẳng.
Hồng Khanh