Tại cuộc tọa đàm “EVFTA - Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/3, các chuyên gia đều đồng tình rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ví như “đường cao tốc quy mô lớn” kết nối thương mại, đầu tư và chuỗi giá trị giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, để đi vào cao tốc này doanh nghiệp cần phải trả phí.
EVFTA được ký kết vào tháng 6/2019 và được Nghị viện EU bỏ phiếu thông qua ngày 12/2. Dự kiến hiệp định sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6 và sẽ có hiệu lực từ tháng 7. |
Chi phí đầu tiên liên quan đến điều tiết sản xuất của doanh nghiệp. Nếu trước đây doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài thì nay chuyển thành nội địa. Giá nguyên liệu có thể đắt lên và làm tăng chi phí sản xuất đầu vào nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tận dụng được ưu đãi thuế quan từ thị trường EU.
Một loại chi phí khác nữa mà doanh nghiệp phải bỏ ra đó là đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm đáp ứng những điều kiện sản xuất mới, tương thích với tiêu chuẩn của thị trường EU. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đầu tư cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Thêm nữa, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường nước ngoài một cách nghiêm túc để tận dụng cơ hội mà thị trường 600 triệu dân này mang lại.
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cơ quan nhà nước cần sớm ban hành những quy định pháp luật về tiếp nhận hàng hóa từ EU và hỗ trợ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá của Việt Nam, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường này được thuận lợi.
Thêm nữa, các quy tắc xuất xứ thường rất khó và chi tiết, nên bà Trang khuyến nghị cơ quan thực hiện đàm phán tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền và phổ biến cho doanh nghiệp. Đồng thời, những những bản hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ cho doanh nghiệp nên được in như cuốn cẩm nang để tiện tra cứu và sử dụng.
Hiện Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn tất dự thảo sửa đổi Thông tư về xuất xứ hàng hóa và dự kiến ban hành trong tháng 5 nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ông Lương Hoàng Thái Vụ -Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, một trong những điều quan trọng khi xây dựng thông tư này là giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi.
Bởi, nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ thì vẫn được xuất khẩu sang EU nhưng không được hưởng những ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, tiêu chuẩn kỹ thuật hay hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm là nhóm các quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hàng hóa đến từ tất cả các nước, không riêng gì thị trường Việt Nam. Trường hợp nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp sẽ không xuất khẩu được vào EU.
EVFTA được Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn vào tháng 2 vừa qua. Dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua vào tháng 6 và hiệp định chính thức đi vào thực thi từ 1/7.