Nói về tự do kinh tế, trong bảng xếp hạng mà Quỹ Di sản (Heritage Foundation -Mỹ) vừa công bố, lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm có chỉ số tự do kinh tế trung bình tăng 15 bậc so với năm ngoái. Trước đó, Việt Nam được xếp vào nhóm hầu như không có tự do kinh tế. Với 61,7 điểm, Việt Nam là nền kinh tế tự do thứ 90 trong 184 nền kinh tế được đo lường. Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Đây là sự thăng hạng ấn tượng khi năm 2018, Việt Nam chỉ đứng thứ 141, năm 2019 vị trí 128, năm 2020 là 105 và đến năm nay là thứ hạng 90.
Đây cũng là một minh chứng cho thấy những nỗ lực không ngừng để tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế, góp sức vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm" là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp. Từng có thời điểm, có nhiều ý kiến lên tiếng về việc "trao trả quyền tự do kinh doanh cho người dân" khi còn tồn tại "rừng" giấy phép con, khi xảy ra những vụ việc như "Quán cà phê Xin Chào"…
Tại "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp, trí thức vừa qua, có không ít lãnh đạo doanh nghiệp thẳng thắn đặt vấn đề là mong "Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp", trong nhận thức và đối xử, phải đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, bình đẳng tiếp cận nguồn lực, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự… Họ cũng mong sao trên chặng đường đầy vất vả, con thuyền kinh doanh được no gió, gặp nhiều biển hướng dẫn hơn là biển cấm.
Đích đến 2045 sẽ gần hơn khi chúng ta cùng nhau đi. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu, chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, như Thủ tướng nhìn nhận. Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn.
Từ đó mà "Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ, về tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Có thể nói, chỉ có tự do đổi mới sáng tạo,tự do kinh doanh mới góp phần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng. Nhờ sự tự do này, chúng ta có thể tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài.
Chỉ khi được hỗ trợ, ủng hộ tối đa, được trao tất cả cơ hội, doanh nghiệp Việt mới có thể trở thành "khổng lồ" như mong muốn của Thủ tướng.