Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.
Cùng với đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Trên thế giới, các nước có GDP bình quân cao đều có các ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao ngoại trừ Singapore, Hong Kong (Trung Quốc). Ví dụ như công nghiệp cơ khí chế tạo, hóa chất, công nghiệp vật liệu mới… là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao và tạo ra nội lực cho nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Việt Nam đang thiếu những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao như vậy. Ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam mới chỉ có lắp ráp ô tô, giá trị gia tăng chưa cao. Tất nhiên đây cũng là một điểm sáng trong ngành công nghiệp Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam không thể cứ mãi đi làm dịch vụ hương dẫn du lịch, gia công dệt may, giày da… như hiện nay. Nhất định một quốc gia đông dân như Việt Nam phải có ngành công nghiệp nội địa tạo giá trị gia tăng cao thì GDP bình quân mới cao được! Như vậy, Việt Nam cần tập trung phát triển mạnh công nghiệp lõi ngay từ bây giờ.
Nhìn vào các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, những quốc gia này từng một thời là con hổ mới của châu Á. Nhưng các quốc gia này chưa thể tiến xa hơn vì thiếu đi công nghiệp cốt lõi. Điền hình như Thái Lan, vì không phát triển được ngành công nghiệp lõi nên tăng trưởng kinh tế nằm trong khoảng 3-4% trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, Việt Nam cần thay đổi ngay để không rơi vào tình trạng giống Thái Lan như hiện tại, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Nói tới con hổ châu Á Hàn Quốc, đây là một quốc gia phát triển mạnh nhờ vào định hướng tập trung phát triển công nghiệp ngay từ ban đầu. Hay nói cách khác, Hàn Quốc tập trung phát triển công nghiệp lõi mới có được phát triển như ngày hôm nay.
Cụ thể, thời gian đầu phát triển đất nước, Hàn Quốc không chú trọng vào huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà để dành toàn bộ thị phần trong nước cho doanh nghiệp nội địa. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp nội địa phát triển mà không bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng với đó, tất cả nguồn vốn quốc gia đều dành cho công nghiệp, doanh nghiệp nội địa. Chính phủ Hàn Quốc đã đứng ra bảo lãnh vay vốn nước ngoài để có chi phí vay vốn thấp, từ đó có vốn phát triển cho công nghiệp, doanh nghiệp nội địa. Qua đó thấy được, Hàn Quốc là một quốc gia có chính sách công nghiệp hoá vô cùng quyết liệt.
Tại Hàn Quốc, chính phủ luôn ưu tiên các nguồn vốn dành cho công nghiệp. Trên thực tế, đầu tư cho công nghiệp rất dài hạn và lợi nhuận rất thấp, không thể bằng đầu tư cho bất động sản vì lợi nhuận đầu tư bất động sản rất cao. Nhìn nhận được vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách công nghiệp hoá rất quyết liệt và triểt để nhằm dẫn dòng vốn đầu tư vào công nghiệp lõi để có được nền công nghiệp phát triển như hiện nay.
Với Việt nam, nền công nghiệp của Việt Nam hiện được đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, doanh nghiệp nội địa chưa thực sự có tác động lớn tới các ngành công nghiệp cốt lõi. Thực tế, FDI tạo ra tới 70% xuất khẩu của Việt Nam và 70% này phụ thuộc chủ yếu vào ngành sản xuất. Chính vì thế, FDI gần như là chiếm tới 70 % sản xuất hàng công nghiệp của Việt Nam.
Theo đó, trong điều kiện doanh nghiệp nội địa chưa mở rộng sản xuất để xuất khẩu được thì FDI thì là một trong những yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức độ nhất định và phát triển công nghiệp phụ trợ. Tóm lại muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có được một nền công nghiệp chế tạo độc lập tự chủ và có tính lưỡng dụng cao, nếu không tất cả chỉ là giấc mơ.
Khi các doanh nghiệp nội địa tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn trong ngành công nghiệp lõi thì không chỉ tăng trưởng mà cả GDP bình quân của Việt Nam sẽ cao trong tương lai.