Doanh nghiệp đề xuất giảm các mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp (KCN) ngày 20/9, Bộ KH-ĐT đã tổng hợp hàng loạt kiến nghị của địa phương, DN.
Bộ KH-ĐT cho biết, các DN đề nghị triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành phố không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho DN khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc.
Cùng với đó, phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ người lao động trong các KCN để có cơ sở duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới trong đó ưu tiên tiêm vắc xin cho các DN đang thực hiện các biện pháp duy trì hoạt động sản xuất.
Công nhân Samsung tại Bắc Ninh được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 |
Các cơ quan y tế địa phương phối hợp với DN trong việc đánh giá, phân luồng, tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc theo hướng hạn chế việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động quá lâu để xử lý y tế và cách ly y tế, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất trong DN.
DN cũng kiến nghị xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các KCN để phản ứng nhanh hơn khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Để hỗ trợ các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các DN đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các DN đến hết năm 2021.
Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT; hỗ trợ nguồn vốn cho DN thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất vay từ ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp cũng đề xuất tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào như: Giảm chi phí tiền điện, nước, cước viễn thông...; giảm các mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí/hoặc một phần chi phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động.
Các chi phí liên quan đến cách ly, xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người lao động trong KCN được hạch toán vào chi phí hợp lý, hợp lệ của DN; tạo thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, nhất là những người đã tiêm đủ liều vắc xin; ưu tiên cho các đối tượng tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Các DN cũng đề nghị đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân lao động tại các KCN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó tập trung ưu tiên các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như lao động nữ giới, phụ nữ có thai, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Đồng thời, nỗ lực cải thiện điều kiện sống tốt hơn tại các khu nhà ở cách ly ở các KCN trong trường hợp các doanh nghiệp trả phí.
Để hỗ trợ các DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105 của Chính phủ với, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực với doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Về dài hạn, để tạo nền tảng cho khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phục hồi và phát triển, Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Luật Khu kinh tế trong giai đoạn 2021-2025… |
Thu Hằng