Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10 về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ nêu nhu cầu điều chỉnh hạn mức vốn nước nước ngoài.
Tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn 60.000 tỷ đồng so với hạn mức 300.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cụ thể, các dự án đang thực hiện đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần bổ sung 15.903,520 tỷ đồng. Các dự án mới ký hiệp định chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cần bổ sung 9.201,140 tỷ đồng. Các dự án mới thuộc dự kiến của kế hoạch đầu tư công trung hạn cần bổ sung 8.700 tỷ đồng.
Nhu cầu phát sinh chưa dự kiến khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn: cần bổ sung 56.204,795 tỷ đồng. Trong đó các dự án đường sắt đô thị cần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (đang tiến hành thủ tục để báo cáo Quốc hội về nội dung tăng tổng mức đầu tư và cơ chế tài chính) 29.000 tỷ đồng. Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên của Tp.HCM 20.500 tỷ đồng. Tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương của Tp. HCM 6.600 tỷ đồng. Tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo của Hà Nội 1.900 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung nói trên, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc bố trí vốn để triển khai các dự án vay vốn ODA đã được ký kết là cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo cam kết với nhà tài trợ.
Tuy nhiên nếu bổ sung thêm 60.000 tỷ sẽ vượt mức trần của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2.000.000 tỷ đồng. Do vậy đề nghị Quốc hội cho chủ trương cho phép bổ sung kế hoạch vốn không quá 60.000 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn ODA trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu giữa nguồn vốn ODA và vay trong nước qua phát hành trái phiếu trong phạm vi không vượt hạn mức 2.000.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư công của cả giai đoạn, đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi đã được Quốc hội thông qua.
Cơ quan thẩm tra cho biết, Chính phủ đề nghị chuyển từ vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp các dự án do Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư với tổng số vốn kế hoạch là 13.171 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.
Ủy ban thẩm tra cho rằng, theo quy định tại nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, không được phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến về nội dung này. Do đó việc bố trí kế hoạch vốn chỉ thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Chính trị.
Đối với các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và Tp.HCM, quan điểm của cơ quan thẩm tra là, các dự án này đã bị chậm tiến độ quá nhiều năm, một phần do nguyên nhân thiếu vốn, một phần do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư. Do đó, cơ quan quyết định đầu tư có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và sẽ giao thêm kế hoạch vốn cho các dự án này sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định.