Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác ngày 11/6, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Có nên giảm thuế năm 2020 cho tất cả các doanh nghiệp?
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước. Thực tế trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2020.
Tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM bày tỏ băn khoăn với hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi những doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ nhưng số lao động trên 100 người thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có số lao động ít hơn. Do đó đại biểu đề nghị nên chỉ áp dụng tiêu chí về doanh thu để xác định đối tượng hỗ trợ.
“Mặc dù trong giải trình cho rằng nếu mở rộng quy mô thì số giảm thuế này có thể bị ảnh hưởng là từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 22.440 tỷ đồng. Nhưng thực sự tôi thấy con số này chỉ là ước tính và có khả năng là ảo, khả năng ảo là vì doanh nghiệp đã rất khó khăn thì làm sao có lợi nhuận? Như vậy trên tinh thần chúng ta thông qua để vừa có tính chất hỗ trợ doanh nghiệp để mà cầm cự giữ chân để chờ cơ hội vượt qua thì tôi đề nghị chỉ sử dụng tiêu chí dưới 50 tỷ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Giảm thuế kèm giảm các loại phí
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) cho rằng, đến thời điểm này các chính sách hỗ trợ chỉ ở mức độ động viên các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do không có đơn hàng mới, đang sản xuất cầm chừng. Nếu doanh nghiệp nào không cắt giảm lao động thì người sử dụng lao động đang rất cố gắng để giữ chân người lao động và duy trì sản xuất.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Chính phủ cần xem xét trên tổng thể hệ thống các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn.
“Theo thông tin từ các đơn vị sử dụng trên 1.000 lao động, nhiều đơn vị đã phải đi vay để trả lương cho người lao động. Tiền hầu như là trả nợ hết, lương cho người lao động còn không đảm bảo được thì lấy gì đóng các khoản khác. Tôi cũng đề xuất từ Nghị quyết này Chính phủ xem xét đến các loại phí khác mà người sử dụng lao động đóng góp về”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu ý kiến./.