Văn bản nêu lên thực trạng bối cảnh hiện nay chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp. Trong quá trình đó, việc giữ ổn định giá bán và giảm giá bán hàng hoá cho người tiêu dùng những tháng cuối năm đặc biệt năm nay Tết Nguyên đán Quý Mão và năm mới dương lịch 2023 gần nhau.
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố đầu vào như chi phí nguyên vật liệu; chi phí vốn… tăng do yếu tố khách quan và yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, thì việc tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, giảm tối đa các chi phí khác cũng như tạo điều kiện về thị trường, về tiêu thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đề nghị các tổ chức tín dụng TPHCM tiếp tục cho vay và giảm lãi suất với DN bình ổn thị trường
“Ở góc độ hoạt động ngân hàng, các giải pháp này gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; thực hiện tốt các nội dung của cải cách hành chính và trách nhiệm chia sẻ với tinh thần đồng hành để phát triển” - ông Lệnh nói.
Cụ thể, tập trung các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng gắn với việc tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói tín dụng hỗ trợ cho DN, tập trung vốn cho các DN thuộc nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng (xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn) để hỗ trợ DN phục hồi và tăng trưởng trong điều kiện xuất hiện nhiều hơn khó khăn thách thức.
Cải cách hành chính ngành ngân hàng, xử lý hồ sơ thủ tục nhanh hơn; dịch vụ tiện ích hơn; điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch cho DN, qua đó hỗ trợ cho DN, trong điều kiện các chi phí (nguyên vật liệu; lãi suất, tỷ giá…) tăng do yếu tố khách quan, yếu tố thị trường.
Tổ chức tốt các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; cho vay DN bình ổn thị trường; đối thoại DN… để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong thực thi chính sách, cũng như củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Trong đó duy trì chế độ trao đổi thông tin, họp giữa NHNN thành phố và hiệp hội doanh nghiệp; hội ngành nghề trên địa bàn thành phố.
“Nhân rộng những giải pháp hiệu quả tích cực từ việc một số tổ chức tín dụng đã và đang chủ động giữ ổn định lãi suất, giảm phí, giảm lãi suất cho vay đối với một số DN thuộc chương trình bình ổn, hoặc giữ ổn định lãi suất cho vay đối với DN xuất khẩu; rút ngắn thời gian giao dịch và giảm chi phí giao dịch cho khách hàng; thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng…” - ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.