Tiêu hủy 1 triệu con lợn, sẽ mất 150 triệu USD
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức hỗ trợ đền bù tiêu hủy lợn bệnh để ngăn chặn tình trạng “bán tháo” làm nguy cơ bùng nổ dịch trên diện rộng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 1.3.2019, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai – ông Nguyễn Trí Công nhấn mạnh: Mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi theo quy định hiện nay tối đa chỉ 38.000đ/kg. Đây là mức hỗ trợ đúng quy định nhưng không sát thực tế, không còn phù hợp trong tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đã bắt đầu đến hồi “nóng”.
Giá lợn hơi ngày 1.3.2019. Nguồn: Anova Feed
Theo ông Nguyễn Trí Công, mức đền bù thấp sẽ không khuyến khích người chăn nuôi khai báo dịch bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng “bán tháo” lợn, làm tăng nguy cơ bùng nổ dịch bệnh.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi một cách hiệu quả, trong thời điểm xảy ra dịch, Nhà nước cần áp dụng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh sát với giá thị trường.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: PV
Như vậy, dù hỗ trợ ở mức cao, nhưng dịch bệnh được khống chế hiệu quả thì thời gian hỗ trợ sẽ ngắn, số lượng lợn phải tiêu hủy cũng ít hơn, Ngân sách Nhà nước chi ra cũng theo đó sẽ thấp hơn.
“Một phép tính cho thấy, khi dịch bệnh không được khống chế sớm, nếu có 1 triệu con lợn phải bị tiêu hủy, tính chung trọng lượng khoảng 100kg/con, với mức hỗ trợ 38.000đ/kg, 1 triệu con lợn sẽ phải chi tới 150 triệu USD để hỗ trợ người chăn nuôi. Đây là một số tiền rất lớn”- ông Nguyễn Trí Công nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các biện pháp dập dịch, phun hóa chất tiêu độc khử trùng, lập chốt kiểm tra, ngăn chặn vận chuyển lợn từ vùng dịch ra các vùng khác… đã được triển khai rất quyết liệt, không xảy ra tình trạng lợn dịch bị giết mổ rồi tuồn bán ra ngoài. Tuy nhiên, hiện nay dọc quốc lộ, mỗi ngày có hàng trăm xe chở lợn từ Bắc vào Nam bởi giá lợn ở miền Bắc đang cao hơn giá lợn tại các tỉnh phía Nam từ 10-15.000đ/kg.
Đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ người chăn nuôi
Theo Bộ NNPTNT, Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi cho các hoạt động của cơ quan trung ương, bao gồm: Điều tra ổ dịch, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu; chủ động giám sát lưu hành virus ASF, giải trình tự gien, xây dựng bản đồ dịch tễ; thông tin, tuyên truyền; hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn; hợp tác quốc tế về phòng chống bệnh ASF.
Ngân sách nhà nước cấp để tổ chức thực hiện thông qua ngân sách hằng năm; Bộ NNPTNT xây dựng dự toán thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán của Bộ gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, tổng khái toán kinh phí hằng năm cần khoảng 25 tỉ đồng.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng giá hỗ trợ bằng giá thị trường, sử dụng quỹ phòng, chống thiên taiđể hỗ trợ ngay và chủ vật nuôi không nhất thiết phải khai báo và xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn.
Đồng thời, cho phép Bộ NNPTNT tổ chức xây dựng phòng thí nghiệm thú y đạt chuẩn quốc tế để chủ động chẩn đoán, xét nghiệm chính xác các loại dịch bệnh động vật.
Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, của các nước hỗ trợ Việt Nam tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để có đủ cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.