Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh vừa thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quốc hội cân nhắc, lùi thời hạn thông qua dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023. Nhìn chung, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, bằng nhiều hình thức, có phân loại đối tượng, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng lấy ý kiến; bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý. Theo thống kê, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với hơn 1,3 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 8,3 triệu ý kiến góp ý.
Báo cáo cũng nêu rõ, nhân dân bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào chủ trương lấy ý kiến toàn dân đối với dự thảo Luật Đất đai. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá dự thảo Luật đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và xây dựng Luật Đất đai để thể chế hóa sớm nhất Nghị quyết số 18. Việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay vì đây không chỉ là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai mà nó có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác...
Việc tổ chức lấy kiến nhân dân rộng rãi lần này đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; góp phần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
"Để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18, đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV hay không, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo", báo cáo nêu rõ.
Dự án đô thị thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp
Theo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua tập hợp ý kiến nhân dân cho thấy, mặc dù lần này dự thảo Luật cơ bản đã thể chế hóa những chính sách lớn tại Nghị quyết số 18, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ.
Cụ thể, về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, trong Nghị quyết 18 nêu rõ: "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trên thực tế, nếu thoả thuận thì có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nhưng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao. Bởi vì khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp, sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở giá chênh lệch nhiều lần nên cũng tạo ra vướng mắc, chưa công bằng.
Mặc dù trong dự thảo, Điều 78 vẫn quy định là Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng bao gồm rất nhiều điểm, trong đó Ban Soạn thảo đã tiếp thu và không còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên điểm h vẫn quy định về dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Như vậy trong dự thảo vẫn quy định dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất.
"Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ lưỡng điều khoản này để phù hợp với Nghị quyết 18. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp, dự án đã thỏa thuận được trên 80% số hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng số còn lại không thể thỏa thuận được thì trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận", báo cáo cho biết.
Về việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đây là quy định hết sức nhân văn thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Dự thảo Luật đã cụ thể hóa quan điểm này tại điểm a khoản 4 Điều 85 về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và Điều 89 về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên cả 2 vấn đề đều chưa thực sự rõ ràng, cụ thể trong dự thảo. Điểm 2 khoản 4 Điều 85 là chưa đủ để thể chế hết quan điểm tại Nghị quyết, cần cụ thể hóa hơn nữa trong luật đến việc triển khai thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (như chi trả tiền bồi thường, bố trí tái định cư xong), sau đó mới ban hành quyết định thu hồi đất.
Điều 3 dự thảo Luật không giải thích khái niệm thế nào là "có điều kiện sống bằng khoặc tốt hơn nơi ở cũ" và dự thảo cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không. Khoản 2 Điều 89 gần như diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết.
Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, cụ thể hóa nguyên tắc đề cập tại khoản 2 Điều 89 của dự thảo. Theo đó, một là giải thích rõ hiểu thế nào là người bị thu hồi đất sau khi được bồi thường có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Hai là, bổ sung quy định về một số tiêu chí đánh giá cụ thể, mang tính định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi.
"Dự thảo nên cân nhắc các khía cạnh về cơ sở hạ tầng, điều kiện ổn định cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân (điện, đường, trường, trạm, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm…)", báo cáo cho biết./.