Sáng 4/1, trình bày thẩm tra tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp bất thường Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban nhất trí với sự cần thiết của chương trình hỗ trợ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Theo đó, Uỷ ban Kinh tế đồng ý thâm hụt ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình (2022-2023).
Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí , trong đó giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022).
Đáng chú ý, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.
Về mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế thống nhất với tờ trình về tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay; bổ sung giải pháp đầu tư phát triển con người, cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế.
Liên quan đến các chính sách đối với lao động, việc làm và an sinh, xã hội, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm công tại các địa phương. Cùng với đó, hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường cơ chế, chính sách liên quan đến người di cư, đặc biệt là các điều kiện thiết yếu.
Về đầu tư công, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trong danh mục đề xuất, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Song song với đó, cần đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn năm 2022-2023 cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có khả năng thực hiện, giải ngân để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.