Ngoài việc thu nhập ổn định, những người lao động ở Nhật sau khi về nước thường có tay nghề tốt và có bằng tiếng Nhật, cho nên thị trường Nhật Bản trở thành mục tiêu có độ nóng nhất đối với người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.
Đầu năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thanh Hóa đã điều tra làm rõ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 vợ chồng Nhữ Thị Nhàn, ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa và Phạm Tuấn Anh, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Từ vụ án này đã hé lộ nhiều chiêu trò của các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động sang Nhật Bản để lừa đảo, móc túi người dân.
Tháng 7/2017, anh Lê Đức Dương và Quyền Quang Thắng cùng với 3 lao động khác tìm đến Công ty Cổ phần đào tạo du học và xuất khẩu lao động Hoàng Phát do vợ chồng Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh làm Giám đốc để được tư vấn xuất khẩu sang Nhật Bản lao động. Tại đây, họ đã được vợ chồng Nhàn tư vấn đi theo đơn hàng "kỹ sư" với chế độ đãi ngộ cao và mức phí khoảng 300 triệu đồng/1 người.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, lấy lý do đi theo đơn hàng kỹ sư phải chờ đợi lâu, nên Nhàn đã tư vấn cho các lao động đi theo đơn hàng "thương mại" chi phí rẻ hơn (khoảng 245 triệu đồng/người). Do muốn đi sớm nên các lao động đã đồng ý và nộp tiền cho Công ty Hoàng Phát với tổng số tiền 945 triệu đồng.
Với thủ đoạn tinh vi và những lời hứa hẹn ngon ngọt của vợ chồng Nhàn và Tuấn Anh, nhiều lao động đã nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy của cặp vợ chồng này. Chỉ tính từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, cặp vợ chồng này đã tư vấn cho 13 trường hợp xuất khẩu sang Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư.
Trong đó, có 11 trường hợp đã xuất cảnh sang Nhật Bản theo hình thức "thương mại" mà thực chất là đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản lao động bất hợp pháp. Trong số 11 người sang Nhật Bản, có 6 trường hợp đã bị phía Nhật Bản phát hiện, trục xuất về nước; 4 trường hợp thấy điều kiện làm việc không đúng như cam kết nên đã yêu cầu vợ chồng Nhàn phải mua vé máy bay về nước.
Trung tá Đỗ Quốc Chính, điều tra viên phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, với thủ đoạn không có giấy phép nhưng vẫn tư vấn, mức lương, thu nhập được nâng lên. Sau đó đưa người lao động vào diện có tay nghề cao nhưng thực chất lại không có, sang đó thì bị đẩy xuống lao động phổ thông.
Thủ đoạn tuy là tuyển lao động nhưng lại sử dụng visa du lịch đưa người sang hợp pháp rồi trốn ở lại lao động. Trước đó tại Hà Nội, đối tượng Nguyễn Huy Vững (quê Tam Nông, Phú Thọ) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mạo danh một công ty có chức năng xuất khẩu lao động, ngang nhiên thuê địa điểm, treo biển mang tên công ty này để thực hiện hành vi lừa đảo lao động đi Nhật Bản.
Theo cơ quan điều tra, trong những năm gần đây, Nhật Bản nổi lên là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam hấp dẫn nhất. Do thiếu hiểu biết, thông tin lại hạn chế nên người lao động không thể đánh giá chính xác dịch vụ đưa người sang Nhật Bản lao động mà chỉ cần thấy có "cò" lao động nào đã môi giới thành công, đưa được người đi Nhật là họ đặt niềm tin. Chính vì nghe theo thông tin truyền miệng và bị hấp dẫn bởi mức lương cao mà các đối tượng môi giới dẫn dắt đưa ra, nhiều người lao động đã mắc bẫy lừa.
Thực tế Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động khá khó tính và chọn lọc nên các đối tượng lừa thường đưa ra thông tin tuyển lao động không qua thi tuyển khiến lao động đổ xô vào nộp tiền bởi sự dễ dãi do các đối tượng bịa đặt.
Mới đây, Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh và chấp nhận tị nạn sửa đổi, trong đó quy định cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo tư cách lưu trú "kỹ năng đặc định".
Trước thông tin lao động đi theo con đường môi giới, đi lao động đặc định, bà Trần Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, thương binh và xã hội) cho rằng, lao động cần cảnh giác tránh rơi vào bẫy lừa đảo của công ty ma.
"Mặc dù vừa triển khai chương trình đưa lao động đặc định đi làm việc ở Nhật nhưng đã có một số công ty rục rịch tuyển lao động với lời giới thiệu mức lương cả 4.000-5.000 USD, kèm theo chế độ phúc lợi và được đem theo gia đình, vợ con theo. Tuy nhiên, chỉ có các công ty phái cử được Bộ Lao động, thương binh và xã hội cấp phép mới có quyền thẩm định cấp phép cho lao động này đi làm việc tại Nhật Bản", bà Vân Hà cảnh báo.
Cũng theo bà Hà, thực tập sinh kỹ năng là lao động phổ thông, đi làm việc theo diện thực tập chứ không phải là lao động chính thức nên chỉ được hưởng trợ cấp lương, các chế độ phúc lợi cũng rất hạn chế. Còn du học sinh tới Nhật Bản theo diện du học, hầu hết du học sinh phải đạt trình độ tiếng Nhật từ N3 –N4. Các du học sinh chỉ được làm thêm không quá 20 giờ 1/tuần. Việc đi làm thêm phải được cơ quan quản lý phía Nhật Bản chấp thuận.
Cả thực tập sinh và du học sinh muốn chuyển đổi tư cách lưu trú sang lao động đặc định đều cần có thời gian thực tập, học tập và lưu trú ít nhất 2 năm trở lên tại Nhật Bản. "Để tránh bị lừa đảo, người lao động phải nắm rõ những thông tin này, khi có thắc mắc có thể gọi tới Cục Quản lý lao động ngoài nước", bà Vân Hà nhấn mạnh.
Ngày 14/8, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng thống đốc tỉnh Nagano (Nhật Bản) ký Bản ghi nhớ thiết lập khung hợp tác hai bên, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác trong việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh và lao động Việt Nam trong lĩnh vực du lịch và hộ lý đến tỉnh Nagano. Theo đó, tỉnh Nagano sẽ tiếp nhận nhiều lao động có nghề thuộc lĩnh vực du lịch, hộ lý của Việt Nam đến học tập, làm việc.