Phía quỹ đầu tư VinaCapital đã chính thức công bố quyết định dừng khoản đầu tư trị giá 32,5 triệu USD (730 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Ba Huân sau những tranh cãi gần đây. Nếu coi đây là một “sự cố”, doanh nghiệp cần làm gì để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong các hợp tác với đối tác ngoại?
Theo đó, nguyên nhân mà phía VinaCapital lý giải là tồn tại "một số hiểu lầm giữa đôi bên", trong một quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa hai phía vào chiều ngày 9/8/2018. Các thủ tục pháp lý có liên quan đã được hai bên chuẩn bị nhằm hoàn thành công việc này.
Như vậy, những diễn biến căng thẳng cùng với luồng thông tin trái chiều ngập tràn mặt báo xung quanh vụ việc đã đi tới hồi kết.
Vậy tại sao Ba Huân lại muốn chấm dứt sự hợp tác này khi họ rất cần vốn? Các định chế tài chính lớn luôn mất nhiều thời gian để làm due diligent (khảo sát minh bạch) trước khi mua cổ phần doanh nghiệp. Có thể nói, quỹ này không tốn thời gian để khảo sát, thành lập hội đồng đầu tư và thu xếp vốn rồi lại phủi tay với Ba Huân mà không có lý do thực sự hệ trọng.
Theo một số chuyên gia tài chính am hiểu về thương vụ này, bản chất câu chuyện nằm ở chỗ Ba Huân muốn sử dụng vốn của VinaCapital không đúng với cam kết đã ký. Nhưng, các quỹ đầu tư luôn có điều khoản và quy định rất chặt chẽ liên quan tới trách nhiệm giải trình và giám sát việc đối tác sử dụng tiền của họ.
Họ yêu cầu doanh nghiệp phải mở tài khoản đồng sở hữu tại ngân hàng, phải giải trình mục đích sử dụng vốn có đúng thoả thuận không và đặc biệt ngăn cản doanh nghiệp đầu tư trái ngành bởi nó quá rủi ro cho vốn của họ. Ngân hàng chỉ giải ngân khi có đủ chữ ký của cả hai chủ tài khoản.
Gốc rễ của vấn đề là Ba Huân muốn sử dụng số tiền 730 tỷ đồng vào mục đích khác ngay từ đầu, nên họ dễ dàng gật đầu với các điều khoản của VinaCapital kể cả tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 22%, sau đó thấy không được họ tìm mọi cách ngừng hợp tác để tìm nhà đầu tư khác.
Một khả năng cao khác là Ba Huân đã lựa chọn được một nhà đầu tư mới với những điều khoản có lợi hơn, bởi rõ ràng họ đang rất "khát" vốn nhất là khi mùa Trung Thu đang tới gần – thời điểm làm ăn lớn của doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến thực phẩm như Ba Huân", một chuyên gia ngân hàng đầu tư cho biết.
Người này cũng kể một chi tiết đáng lưu ý, lúc hai bên ký cam kết với nhau vào tháng 2/2018 người đại diện cho Ba Huân là bà Phạm Thị Huân với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm CEO, khi đó là cổ đông lớn nhất nắm gần 100% cổ phần công ty. Tuy vậy sau khi ký xong một thời gian bà Huân có một văn bản thông báo là sẽ chia 50% cổ phần công ty cho các em bà!
Cơ cấu cổ đông của Ba Huân sau khi VinaCapital rót vốn
Không thể thiếu tư vấn chiến lược
Cách xử lý của Ba Huân có thể nói là điển hình cho tâm thế của nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam - vốn quen với việc toàn quyền quyết định các vấn đề - trong các mối quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài.
TS Nguyễn Quốc Toàn chuyên gia cấp cao về tư vấn chiến lược cho rằng, sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp là không thuê đơn vị tư vấn hoặc chọn đơn vị tư vấn không phù hợp khi thực hiện giao dịch M&A với đối tác ngoại. Hoặc có thuê nhưng không nghe lời tư vấn mà tự quyết định các vấn đề quan trọng.
Theo tìm hiểu chúng tôi, đơn vị tư vấn cho Ba Huân trong thương vụ hợp tác với VinaCapital là Rock River Capital. Tuy nhiên, Rock River Capital đã phải rút lui mà không thu được phí tư vấn của Ba Huân do cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của bên này, mặc dù nhà tư vấn đã hoàn tất việc tìm nhà đầu tư VinaCapital cho Ba Huân!
Trên cương vị là người trực tiếp tham gia vào nhiều thương vụ tư vấn M&A, giao dịch tài chính và tái cấu trúc chiến lược cho các doanh nghiệp, TS Vũ Quốc Hiển thuộc bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, cho biết đây là công việc đầy thách thức bởi nó đòi hỏi nhà tư vấn phải có trình độ chuyên môn cao, sự am hiểu sâu sắc lối suy nghĩ, cách làm việc và tập quán ứng xử của ông/bà chủ doanh nghiệp lại vừa phải có khả năng thuyết phục giỏi.
Ông Hiển cho rằng, sự thành công của nhà tư vấn chiến lược không nằm ở tên tuổi, hồ sơ lý lịch công việc hay các bản thuyết trình "hoành tráng" của họ. Nó phụ thuộc rất lớn vào việc làm sao giải thích rõ cho khách hàng về giá trị của nhà đầu tư, sự thận trọng khi đầu tư vào một dự án, sự cần thiết của quá trình tái cấu trúc công ty hay phải tuyển dụng được nhân sự giỏi và trao đủ quyền hạn cho họ.
Ngoài ra, theo ông Hiển, gặp phải những "ca khó" như cái tôi của người chủ quá lớn thì nhà tư vấn cần khéo léo lúc cương lúc nhu, nhưng quan trọng nhất là phải thuyết phục được họ tin mình và cần mình.
"Tôi xin lấy ví dụ một thương vụ mà chúng tôi từng tư vấn cho một công ty xây dựng của Việt Nam nhiều năm trước. Chúng tôi đưa ra lời khuyên cho họ là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần để tăng vốn hoạt động, từ đó mở rộng thị phần của họ trên thị trường. Đây là một quyết định đầy khó khăn với hội đồng quản trị công ty này bởi vì việc có nhà đầu tư sẽ làm pha loãng cổ phiếu, dẫn đến giảm quyền lực của các ông chủ doanh nghiệp vốn rất coi trọng quyền lực của mình. Cuối cùng sau một thời gian kiên trì thuyết phục nhiều khó khăn, họ đã nghe theo lời khuyên của chúng tôi và bây giờ trở thành công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam", TS Vũ Quốc Hiển kể lại.
Suy cho cùng, một thương vụ M&A hay đầu tư vốn tư nhân cũng giống như một ván cờ mang tính chiến thuật cần tính toán kỹ. Doanh nghiệp cần biết người và biết ta. Biết người là phải hiểu rõ đối tác của mình là ai, họ cần gì ở mình, họ có thiện chí hỗ trợ mình phát triển hay chỉ chăm chăm kiếm lời.
Mình có thể tận dụng đồng vốn của họ vào sản xuất kinh doanh, gia tăng thị phần ra sao. Biết ta là biết tường tận điểm mạnh, điểm yếu của mình. Biết rõ giá trị thực và tiềm năng tăng trưởng tương lai của công ty. Biết rõ lúc nào cần "rắn", lúc nào phải "mềm" và tránh coi thường cổ đông nhưng cũng tránh tâm lý sợ hãi họ.
Tất cả sự biết này một mình chủ doanh nghiệp không thể có được cho dù họ có tài giỏi đến đâu, bởi hiểu biết và năng lực mỗi người có hạn. Nhà tư vấn đi tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp để kiếm tiền cho nên họ phải làm tốt công việc của mình, nếu không chính họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi khắc nghiệt này. Vì vai trò cầu nối của nhà tư vấn quan trọng như vậy cho nên mặt bằng năng lực của nghề tư vấn chiến lược tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.