Theo dự thảo Thông tư về xây dựng quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 mà Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải, đáng chú ý đơn vị này đã đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều và tối đa là 1,6 triệu đồng/vé/chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km mức giá tối thiểu là 340.000 đồng và tối đa là 1,7 triệu đồng.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Cuối cùng, với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019.
Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm không tương ứng với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Đây là những nguyên nhân chính tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Cùng với đó, các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không Việt Nam khẳng định là "chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19".
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, sau khi nhận được văn bản của Cục Hàng không Việt Nam về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam bổ sung bảng tổng hợp ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cũng như phương án giá của tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký cũng cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, bổ sung trong hồ sơ trình dự thảo Thông tư phương pháp xác định mức giá tối thiểu của khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.
Cùng với đó, những số liệu chứng minh phương án đề xuất thể hiện sát với thực tế mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; đồng thời, đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp như: người tiêu dùng, các hãng hàng không, quyền lợi của Nhà nước.
Đáng lưu ý, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động điều chỉnh khung giá đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Toàn bộ hồ sơ trên phải được hoàn thành và trình Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 23/9/2021.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có thông tin về điều chỉnh quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau; trong đó, có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tại Thông báo số 223/TB-VPCP ngày 24/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 223/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; trong đó, Bộ giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá, từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của nhà nước.