Trong công văn vừa gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn nêu trên hiện thành phố bố trí cho lĩnh vực giao thông hơn 52.700 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 19,8% nhu cầu đầu tư các dự án.
Trong tổng nguồn vốn đề xuất bổ sung, ngành giao thông dự tính bố trí hơn 66.800 tỷ đồng cho 61 dự án đường bộ; khoảng 1.700 tỷ thực hiện hai chương trình đầu tư công, gồm: tăng năng lực khai thác an toàn giao thông và phòng chống sạt lở sông, rạch trên địa bàn.
Hơn 3.100 tỷ đồng còn lại sẽ đầu tư các công trình xây kè, chống sạt lở và nạo vét luồng đường thuỷ. Riêng các dự án đường sắt đô thị ở thành phố sẽ được rà soát và đề xuất sau.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kiến nghị các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các sở ngành liên quan tham mưu chính quyền thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời có các giải pháp huy động nguồn lực triển khai dự án trọng điểm, chiến lược...
Hệ thống các Tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị HĐND TP Hồ Chí Minh chấp thuận sử dụng hơn 15.300 tỷ đồng trong 20.688 tỷ đồng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021-2025) đã thông qua để bố trí cho các dự án trên địa bàn.
Nguồn tiền dự phòng được đề xuất sử dụng để bố trí bổ sung cho 31 dự án chuyển tiếp tăng vốn; bố trí cho nhiệm vụ lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bố trí cho dự án Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); đồng thời, bố trí bổ sung vốn cho Chương trình kích cầu đầu tư; bố trí bổ sung cho cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và dự án Xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất bố trí nguồn vốn này cho các dự án theo lệnh khẩn cấp; chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.