Bộ Công Thương vừa đề xuất Thủ tướng bổ sung hơn 6.800MW điện gió vào quy hoạch chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Nguyên nhân là do nguồn điện than tiếp tục chậm tiến độ và điều kiện khí hậu bất lợi.
Trước đó, vào tháng 2, Viện Năng lượng Việt Nam đã rà soát tổng thể Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhằm đảm bảo cân đối cung cầu nguồn điện giai đoạn 2021-2030. Theo đó, công suất điện gió cần bổ sung vào quy hoạch đến 2025 ở phương án cơ sở là hơn 6.000MW và phương án cao hơn 11.630MW. Trong khi đó, tổng công suất điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện mới là 4.800 MW. Như vậy, cần bổ sung thêm hơn 1.200MW ở phương án cơ sở và hơn 6.800 MW tại phương án cao.
Ảnh: Bộ Công Thương
Ảnh: Bộ Công Thương. |
Hiện tiến độ các nguồn nhiệt điện theo Quy hoạch VII điều chỉnh đều chậm 1-2 năm và các nguồn nhiệt điện than ở phía Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Việt Nam cũng đã dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn đến 2030. Sau khi tính toán cung cầu, Bộ Công Thương thấy rằng có khả năng xảy ra thiếu điện, trước tiên là hệ thống điện miền Nam.
Vì vậy, sau khi cân nhắc, Bộ quyết định chọn phương án cao bổ sung thêm hơn 6.800 MW điện gió vào quy hoạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
4.800MW điện gió đã được quy hoạch trước đó dự kiến vận hành vào 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hiện mới chỉ có 9 dự án đã đi vào vận hành với công suất 350MW.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nhận được đề xuất bổ sung vào quy hoạch 248 dự án có tổng công suất 45.000MW từ 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, lớn nhất là tỉnh Bến Tre với 23 dự án, với tổng công suất hơn 12.000MW.
Ảnh: Bộ Công Thương. |
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó yêu cầu ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch.