Với mục tiêu hoàn thiện quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý, Bộ KH&ĐT đã soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi nhóm quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Các khái niệm về “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” sửa đổi theo hướng làm rõ hình thức, nội dung cụ thể, nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Điểm nổi bật nhất, ban soạn thảo đề xuất cắt giảm 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cơ sở để cắt giảm ngành nghề này dựa trên 4 tiêu chí, gồm: Bãi bỏ ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp tới các nội dung quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư); Bãi bỏ ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Bãi bỏ ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định. Bãi bỏ ngành nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể lựa chọn, kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của nhà nước.
Trong số các ngành, nghề sửa đổi, bổ sung, có 4 ngành được sửa đổi để thu hẹp phạm vi áp dụng; các ngành, nghề còn lại được bổ sung để thống nhất với các luật có liên quan.
Dù đưa ra đề xuất trên nhưng Bộ KH&ĐT không chỉ rõ danh sách dự kiến, không đề xuất bãi bỏ ngành nghề cụ thể tổng số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (theo Luật Đầu tư năm 2014).
Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên ban soạn thảo thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT) cho biết, chưa thể công bố danh sách dự kiến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cắt bỏ và cũng từ chối cho biết nguyên nhân không công bố.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc doanh nghiệp khai thác và chế biến đá tự nhiên tại Thanh Hóa cho biết, doanh nghiệp của ông trực thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện như kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Dù thuộc đối tượng được đề nghị bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng đọc dự thảo ông Quang thấy rất mơ hồ.
“Tiêu chuẩn ngành nghề bãi bỏ đưa ra chung chung, chúng tôi không biết mình có trực thuộc ngành được bãi bỏ hay không để đề xuất. Ban soạn thảo nên đề xuất các ngành nghề cụ thể để doanh nghiệp trực tiếp góp ý mới hiệu quả”, ông Quang kiến nghị.
TS Lê Đăng Doanh, cho rằng, việc sửa đổi luật để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư là cần thiết. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ảnh hưởng bởi các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam cần tạo điều kiện để DN trong nước phát triển. Việc bỏ bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện là phù hợp. Quá trình bãi bỏ ngành kinh doanh có điều kiện phải lắng nghe, khảo sát thật kỹ ý kiến doanh nghiệp để dự thảo luật sát với thực tế.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, có nhiều nghị định đã bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ: Nghị định 154/2018 đã bãi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; Nghị định 25/2018 bãi bỏ tất cả điều kiện kinh doanh đối với cơ sở in các sản phẩm in (trừ báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác, tem chống giả); Nghị định 100/2018 bãi bỏ toàn bộ điều kiện với đơn vị quản lí, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lí cây xanh, tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng…
“Việc cắt giảm một số ngành nghề kinh doanh đề cập trong luật sẽ giúp việc cắt giảm kinh doanh thực chất hơn so với ở cấp nghị định”, đại diện VCCI đánh giá.
Sẽ cấm kinh doanh đòi nợ thuê
Riêng ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ KH&ĐT đánh giá, thời gian qua, phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi đòi nợ thuê biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
"Tiêu chuẩn ngành nghề bãi bỏ đưa ra chung chung, chúng tôi không biết mình có trực thuộc ngành được bãi bỏ hay không để đề xuất. Ban soạn thảo nên đề xuất các ngành nghề cụ thể để doanh nghiệp trực tiếp góp ý mới hiệu quả".
Ông Nguyễn Hữu Quang,
Giám đốc DN khai thác và chế biến đá tự nhiên tại Thanh Hóa
“Việc xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý chặt chẽ dịch vụ đòi nợ thuê là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê từ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành, nghề cấm kinh doanh cần được xem xét, đánh giá tác động cụ thể đối với môi trường đầu tư kinh doanh và hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề luật không cấm theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật Đầu tư”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nêu trong tờ trình Chính phủ.
Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội trong quá trình thảo luận về dự án luật này.